Khóa luận: Thực trạng hoạt động quản lý nhà nước về đất đai

Rate this post

Khóa luận: Thực trạng hoạt động quản lý nhà nước về đất đai là đề tài được tác giả thể hiện qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu về thực trạng quản lý nhà nước về đất đai ở Thành phố Hải Phòng. Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt không gì thay thế được và  Hải Phòng là thành phố cảng biển quốc tế, đô thị loại 1 cấp quốc gia, đô thị biển có tính đặc thù cao Trong những năm qua những công trình, dự án lớn mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế được triển khai” nhằm: Làm rõ một số vấn đề lý luận về quản lý nhà nước đối với đất đai trong Đề tài Thực trạng quản lí nhà nước về đất đai ở thành phố Hải Phòng, dưới đây~

Nội dung chính

2.1. Thực trạng đất đai và sử dụng đất đai ở thành phố Hải Phòng

2.1.1. Thực trạng đất đai ở thành phố Hải Phòng

Tổng diện tích đất tự nhiên (DTTN) của thành phố Hải Phòng là: 156.176 ha (100%), trong đó:

  • Nhóm đất nông nghiệp: 587 ha – chiếm 54,16%
  • Nhóm đất phi nông nghiệp: 384 ha – chiếm 40,58 %
  • Nhóm đất chưa sử dụng: 205 ha – chiếm 5,25 %

Ngoài ra còn Đất có mặt nước ven biển (quan sát): 1.833 ha chiếm 1,17% tổng DTTN.

  • Nhóm đất nông nghiệp
  • Nhóm đất phi nông nghiệp
  • Nhóm đất chưa sử dụng
  • Đất bằng chưa sử dụng: 264 ha chiếm 4,65%
  • Đất đồi núi chưa sử dụng: 237 ha chiếm 0,15%
  • Núi đá không có rừng cây: 704 ha chiếm 0,45%

Tổng diện tích đất chưa sử dụng là 8.205 ha chiếm 5,25% tổng DTTN Ngoài ra, đất có mặt nước ven biển (quan sát): 1.833 ha chiếm 1,17% tổng DTTN.

Hiện trạng đất đai thành phố Hải Phòng phản ánh đúng tình hình quản lý, sử dụng đất tại thành phố; cơ cấu sử dụng đất hợp lý theo hướng phát triển sản xuất, nhất là sản xuất phi nông nghiệp, có sự chuyển dịch cơ cấu: diện tích đất lúa giảm, diện tích đất nuôi trồng thuỷ sản, đất nông nghiệp khác và đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, đất công cộng tăng.

2.1.2. Thực trạng sử dụng đất đai ở thành phố Hải Phòng ( Khóa luận: Thực trạng hoạt động quản lý nhà nước về đất đai )

  • Hiện trạng sử dụng các loại đất ở thành phố Hải Phòng

Theo kết quả thống kê đất đai đến ngày 01/01/2017, Hải Phòng có diện tích tự nhiên là 156.176 ha.

Phân theo mục đích sử dụng đất

    • Đất nông nghiệp: 960,69 ha chiếm 53,12%
    • Đất phi nông nghiệp: 248,44 ha chiếm 44,34%
    • Đất chưa sử dụng: 966,87 ha chiếm 2,54%

Phân theo đối tượng sử dụng đất

    • Các tổ chức trong nước: 947 ha
    • Các tổ chức, cá nhân nước ngoài: 558 ha
    • Cộng đồng dân cư: 224,88 ha
    • Hộ gia đình, cá nhân: 637,43 ha
    • Cơ sở tôn giáo: 287,49 ha

Đất nông nghiệp: Tính đến hết năm 2017, diện tích đất nông nghiệp của thành phố giảm 5.338,9 ha, chủ yếu do chuyển sang đất phi nông nghiệp. Biến động diện tích đất nông nghiệp của thành phố Hải Phòng giai đoạn từ 2014 đến 2017 được thể hiện ở bảng 2.3.

Đất phi nông nghiệp:

  • Đất đô thị, khu dân cư nông thôn
  • Đất đô thị: 305,2 ha chiếm 22,5% diện tích tự nhiên, được phân bố ở 7 quận và thị trấn của các huyện.
  • Đất khu dân cư nông thôn: 600,71 ha, chiếm 28,54% diện tích tự nhiên.
  • Đất chưa sử dụng: Diện tích 866,49 ha, chiếm 2,54% diện tích tự nhiên. Diện tích đất bằng chưa sử dụng phân bố không tập trung khó có thể khai thác đưa vào sử dụng cho các mục đích một cách hiệu quả.

Ngoài ra, còn có đất ngoài địa giới hành chính nằm ở khu vực bãi triều ven biển với diện tích 567,99 ha chiếm 0,37% tổng diện tích tự nhiên. Trong đó, đất mặt nước ven biển có rừng chiếm 42,57% diện tích đất mặt nước ven biển.

  • Nguyên nhân gây biến động các loại đất ở thành phố Hải Phòng

Biến động (tăng hoặc giảm) diện tích đất tự nhiên chủ yếu là sai số do thay đổi phương pháp kiểm kê của đợt kiểm kê năm 2017, cụ thể:

  • Kỳ kiểm kê năm 2014, số liệu được tổng hợp từ hồ sơ địa chính có sẵn, lấy số liệu của kỳ kiểm kê trước làm cơ sở (làm chuẩn) để so sánh với những biến động được tổng hợp từ kết quả giao đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và các biến động khác để tổng hợp. Đối với kỳ kiểm kê năm 2017 do đổi mới về phương pháp (tổng hợp từ khoanh đất) trên bản đồ địa chính, bản đồ giải thửa và một số loại bản đồ khác (có đối soát, chỉnh lý ngoài thực địa), số liệu kiểm kê được truy xuất trực tiếp từ bản đồ kết quả khoanh vẽ, chỉnh lý bằng phần mềm kiểm kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
  • Do diện tích sông, đồi núi khi thực hiện kiểm kê năm 2014 sử dụng số liệu cũ tổng hợp từ kết quả khoanh, đo trên bản đồ tỷ lệ nhỏ; hoặc từ bản đồ 299 (giải thửa) không đảm bảo độ chính xác.
  • Diện tích biến động tập trung chủ yếu với những địa phương có giáp ranh là sông, ngòi do các đơn vị giáp ranh chỉ đo đạc phần đất liền không xác định đúng mép sông bên kia để tính diện tích.
  • Do việc đo đạc lập bản đồ địa chính mới (bằng phương pháp đo đạc điện tử) tại 4 quận, huyện thấy có sự chênh lệch về diện tích (quận Đồ Sơn tăng 345,3 ha, Dương Kinh tăng 100 ha, Cát Hải tăng 244 ha)
  • Về biến động các chỉ tiêu trong 03 nhóm đất chính (đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng) do chuyển đổi từ nhóm đất này sang nhóm đất khác, chủ yếu là chuyển từ nhóm đất nông nghiệp, đất mặt nước ven biển (do lấn biển của các dự án) sang nhóm đất phi nông nghiệp. Nhóm đất chưa sử dụng (đất bằng chưa sử dụng) tăng nhiều chủ yếu do thống kê số liệu đối với đất đã cho các tổ chức thuê mới san lấp mặt bằng, hoặc mới đền bù giải phóng xong mặt bằng chưa thực hiện dự án đầu tư.

Tình hình, chồng lấn, tranh chấp địa giới hành chính

Trong phạm vi nội thành phố có 03 vị trí địa giới hành chính chưa được phân định rõ:

  • Giữa phường Máy Tơ quận Ngô Quyền và phường Minh Khai quận Hồng Bàng
  • Xã Hoàng Châu huyện Cát Hải và cửa sông quận Hải An
  • Khu vực đảo Vũ Yên giữa quận Hải An với huyện Thủy Nguyên.

Với các tỉnh giáp ranh: giữa huyện Cát Hải, Thủy Nguyên (Hải Phòng) với tỉnh Quảng Ninh; giữa huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) với tỉnh Hải Dương.

2.1.3. Đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường của việc sử dụng đất ở thành phố Hải Phòng ( Khóa luận: Thực trạng hoạt động quản lý nhà nước về đất đai )

Hiệu quả sử dụng đất

  • Đến nay đã có trên 97,56% diện tích được khai thác và đưa vào sử dụng cho các mục đích dân sinh, phát triển kinh tế; quỹ đất chưa sử dụng chỉ còn 2,44% diện tích tự nhiên.
  • Quá trình phát triển nhanh mạnh nền kinh tế – xã hội của thành phố theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa kéo theo việc thay đổi lớn trong việc bố trí sử dụng các loại đất. Diện tích đất nông nghiệp (đặc biệt là đất trồng lúa, rau, màu các loại,…) tuy phải chuyển một phần sang đất phi nông nghiệp nhưng năng suất các loại cây trồng, vật nuôi và giá trị sản phẩm trên 1 ha canh tác đều tăng. Đất nuôi trồng thủy sản có xu hướng tăng do việc chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả ở những vùng trũng sang nuôi trồng thủy sản.
  • Thực hiện Nghị định số 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ, Quyết định 03/QĐ-UB ngày 04/01/1994 của Ủy ban nhân dân thành phố và chủ trương dồn điền, đổi thửa đã từng bước tạo sự ổn định trong nông nghiệp, nông thôn, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá nông nghiêp chất lượng cao. Chương trình phát triển xây dựng nông thôn mới cùng với việc quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới là cơ sở cho việc bố trí đất ở trong các khu dân cư, trung tâm xã được gắn liền đồng bộ với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, các công trình dịch vụ và vui chơi giải trí đã làm cho diện mạo các khu dân cư nông thôn ngày càng khang trang hơn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân địa phương [5].
  • Các loại đất phi nông nghiệp tăng đáng kể đã góp phần làm cho diện mạo các khu trung tâm quận, huyện ngày càng khang trang hơn, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các công trình phúc lợi công cộng ngày càng được hoàn thiện, góp phần chỉnh trang phát triển đô thị; làm thay đổi bộ mặt đô thị thành phố theo hướng hiện đại, văn minh; nhiều khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã và đang hình thành không những góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương mà còn thu hút một lượng lớn lao động dư thừa ở nông thôn. Quỹ đất dành cho phát triển hạ tầng kỹ thuật (giao thông, thủy lợi,….) và đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục – thể thao và công trình phúc lợi khác) được bố trí đảm bảo nhu cầu phát triển và phù hợp quy hoạch.
  • Hiệu quả kinh tế: Bên cạnh việc thu hút đầu tư phù hợp tạo điều kiện tăng trưởng kinh tế, sử dụng đất đai hiệu quả còn tạo điều kiện để các khu công nghiệp được mở rộng và ngày càng phát triển, các khu du lịch, thương mại phát triển mạnh, loại hình dịch vụ đa dạng phong phú, hệ thống hạ tầng được cải thiện nhanh chóng.
  • Hiệu quả xã hội: Văn hoá, y tế, giáo dục, thể thao… phát triển, đời sống vật chất của nhân dân được nâng cao, mỹ quan đô thị được cải thiện, các khu dân cư được chỉnh

* Hiệu quả môi trường: Tạo được cảnh quan đẹp, tỷ lệ che phủ của rừng được nâng cao.

Hạn chế

  • Tình trạng tự chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang sử dụng vào các mục đích khác, đa số là đất làm nhà ở, chuyển nhượng diện tích đất nông nghiệp đã diễn ra phổ biến và ngày càng phức tạp tại hầu hết các quận, huyện với mức độ vi phạm khác nhau tập trung chủ yếu tại các quận mới thành lập có nhiều đất nông nghiệp và có các khu công nghiệp đang được đầu tư và đi vào hoạt động như: Hải An, Đồ Sơn, Dương Kinh, An Dương, Thuỷ Nguyên, An Lão, Kiến Thụy; gây lãng phí đất đai, khó khăn cho công tác quản lý và gây bất ổn tình hình xã hội tại các địa phương. Hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp còn thấp, cơ cấu sử dụng còn chưa hợp lý, chưa trú trọng đưa diện tích đất bãi bồi ven sông, ven biển sử dụng vào khai thác hiệu quả hơn.
  • Công tác quản lý sử dụng đất đô thị và phát triển còn nhiều bất cập, thiếu hiệu quả; sử dụng còn thiếu quy hoạch, hoặc chưa theo quy hoạch; còn nhiều dự án đầu tư không đạt quy chuẩn khu đô thị hiện đại, hệ số sử dụng đất còn thấp; đất các dự án phát triển đô thị, du lịch và dịch vụ đa phần có quy mô lớn, chuyển sang từ đất sản xuất nông nghiệp, nhưng tiến độ đầu tư chậm, gây lãng phí đất, bức xúc trong cộng đồng,..
  • Những tác động đến môi trường trong quá trình sử dụng đất như: Tình hình ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên có chiều hướng ngày càng gia tăng, tỷ lệ che phủ từ rừng tuy được nâng lên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của tỉnh, của thành phố, một số dòng chảy ở các sông, suối bị sạt lở, bồi đắp, biến dạng…
  • Việc thực hiện các dự án kinh doanh phát triển nhà còn nhiều hạn chế, phần lớn các dự án phát triển nhà, khu đô thị không đảm bảo tiến độ đầu tư; đầu tư còn dàn trải, không cân đối kế hoạch hàng năm, làm mất cân đối cung – cầu; thiếu đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với hạ tầng xã hội, chất lượng hạ tầng kỹ thuật (đường, hè, cấp thoát nước) sức hấp dẫn không cao. Tỷ lệ lấp đầy nhà ở của các dự án còn thấp, nhất là các dự án ven đô, vẫn diễn ra tình trạng hoang hoá, lãng phí đất đai (như một số dự án ven đường 353 thuộc phường Anh Dũng, quận Dương Kinh), gây tác động xấu trong dư luận xã hội; các dự án phát triển nhà dành cho các đối tượng chính sách, thu nhập thấp, tái định cư còn ít, chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư, hạn chế đến hiệu quả thực hiện các chính sách xã hội về nhà ở của thành phố.
  • Việc khai thác sử dụng diện tích đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp cũng chưa hiệu quả; phần lớn nhà xưởng của các doanh nghiệp sản xuất là một tầng, không ít đơn vị còn để mặt bằng trống, sử dụng đất lãng phí, chậm đưa vào sử dụng hoặc đầu tư không hiệu quả, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm cho lao động thấp; nhiều đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ, kể cả một số cụm công nghiệp, làng nghề còn nằm xen kẽ với các khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng khai thác hiệu quả diện tích đất xung quanh, điển hình là cụm công nghiệp Vĩnh Niệm, quận Lê Chân.

Nguyên nhân

  • Đất đai là nguồn tài nguyên hữu hạn có giá trị đặc biệt, liên quan đến lợi ích đan xen của nhiều tổ chức, cá nhân nên luôn là vấn đề rất phức tạp. Trải qua một thời gian khá dài bị buông lỏng quản lý; còn chồng chéo về thẩm quyền giữa các cấp, các ngành trong việc tổ chức lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng đô thị.
  • Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cộng đồng; thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai chưa được thực hiện rộng khắp, triệt để, thường xuyên và kịp thời.
  • Nhiều ngành, nhiều cấp cùng tham gia thực hiện các công việc quản lý nhưng phân công, phân nhiệm chưa rõ trong khi đó công tác kiểm tra giám sát chưa được tổ chức thực hiện tốt. Mặt khác, quy trình, thủ tục thực hiện chưa rõ ràng nên các ngành, các cấp chưa làm hết trách nhiệm còn đùn đẩy, né tránh.

Tính hợp lý của việc sử dụng đất ( Khóa luận: Thực trạng hoạt động quản lý nhà nước về đất đai )

  • Về cơ cấu sử dụng đất: Tổng diện tích tự nhiên của thành phố đến năm 2017 là 195,03 ha được sử dụng vào các loại đất cụ thể như sau:
  • Mức độ thích hợp của từng loại đất so với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội:

Diện tích đất đã được sử dụng ổn định chiếm 95,04% và sử dụng có hiệu quả cho các mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và đất có mục đích công cộng. Trong nhóm đất nông nghiệp, nhiều nhất là đất lâm nghiệp có rừng (7.073,62 ha), đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản (1.121,41 ha), đất trồng cây hàng năm (242,53 ha), đây là đất để sản xuất, cung cấp thực phẩm rau quả phục vụ tại chỗ cho đô thị. Đất lâm nghiệp có rừng chiếm 26,01% đất đô thị, đây là tỷ lệ rất thấp so với đô thị loại 2. Trong đó đất cho an ninh quốc phòng 1.1192,54 ha bằng 4,38%, đất xây dựng các cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp 2.736,90 ha bằng 10,05% diện tích đất đô thị, còn lại là các loại đất khác. Diện tích đất ở đô thị của thành phố là 2.281,49 ha, bình quân 96m2/người đây là tỷ lệ tương đối đảm bảo cho sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, trong thực tế sự chênh lệch về đất ở còn lớn giữa những người thu nhập thấp, so với mặt bằng chung.

Đất chưa sử dụng trong đô thị còn khá lớn, chiếm tới 4,96% diện tích đất đô thị, chủ yếu là đất trống đồi núi trọc và mặt nước chưa sử dụng. Cần có biện pháp khai thác hợp lý quỹ đất này. Với điều kiện tự nhiên và tiềm năng đất đai, các loại đất có mức độ thích hợp để sử dụng cho từng mục đích đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn mới.

  • Tình hình đầu tư về vốn, vật tư, khoa học kỹ thuật trong sử dụng đất của thành phố Hải Phòng

Những năm qua, thành phố và các doanh nghiệp cùng nhân dân đã đóng góp kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, giáo dục, nhà văn hoá và phát triển đô thị đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Thành phố đã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp liên quan đến vấn đề thu hút vốn đầu tư, vật tư, khoa học kỹ thuật tạo đòn bẩy làm tăng giá trị sử dụng đất tại địa phương. Trong đó:

  • Đầu tư vốn, cho vay trực tiếp đến người sử dụng đất theo chương trình, dự án, thông qua hệ thống ngân hàng và các quỹ tín dụng.
  • Các đối tượng sử dụng đất đều có cơ hội nhận được sự đầu tư và có thể đầu tư vào sử dụng đất theo năng lực của mình.
  • Đất sản xuất nông nghiệp được sử dụng theo tập quán truyền thống, kết hợp với đầu tư vốn, khoa học kỹ thuật như: Giống, vật tư, thuỷ lợi, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhằm tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích.
  • Đất lâm nghiệp được giao tới hộ gia đình cá nhân và các tổ chức quản lý sử dụng, phát triển trồng cây đặc sản, rừng phòng hộ đầu nguồn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và bảo vệ môi trường sinh thái.
  • Đất nuôi trồng thuỷ sản được giao tới hộ gia đình cá nhân và các tổ chức quản lý sử dụng, phát triển, nhằm nâng cao giá trị kinh tế.
  • Khu dân cư đô thị được bố trí tập trung, cơ sở hạ tầng và các công trình văn hoá phúc lợi công cộng đang từng bước được đầu tư nâng cấp.
  • Tiếp tục thực hiện chính sách phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp nhiều thành phần bằng cách đa dạng hóa các hình thức sử hữu như thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, kinh tế tư nhân, cá thể, hợp tác xã…, mở rộng các hình thức liên doanh liên kết trong thành phố, trong ngoài tỉnh và với cả nước ngoài.

Có thể bạn quan tâm:

Viết Thuê Khóa Luận Tốt Nghiệp

2.2. Thực trạng của quản lý nhà nước về đất đai ở thành phố Hải Phòng

2.2.1. Thực trạng tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai ( Khóa luận: Thực trạng hoạt động quản lý nhà nước về đất đai )

Hàng năm, ngành Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch tài chính, kế hoạch tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật đất đai nhằm tuyên truyền, phổ biến kịp thời các chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân về lĩnh vực đất đai, tài nguyên và môi trường, xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 và tổ chức các hội nghị tuyên truyền phổ biến đất đai và và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2013 đến các phòng, ban, ngành, đoàn thể, lãnh đạo và công chức địa chính, tư pháp, trưởng thôn các xã, phường, thị trấn với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng. UBND thành phố và Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức nhiều hội nghị đối thoại với nhân dân theo từng dự án thu hồi đất, kết hợp công tác đối thoại với công tác tuyên truyền pháp luật về đất đai, môi trường, khai thác khoáng sản, các vi phạm về đất đai…

UBND thành phố thành lập các Đoàn kiểm tra của huyện, tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai, các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, ban hành nhiều văn bản đôn đốc chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm và xử lý theo thẩm quyền, quy định của pháp luật. Quá trình phát hiện vi phạm đã kịp thời có các biện pháp ngăn chặn như: Lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt vi phạm hành chính, vận động đối tượng vi phạm tự tháo dỡ công trình xây dựng trái phép…

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật về đất đai trên địa bàn huyện vẫn còn những tồn tại, hạn chế:

  • Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai còn hạn chế, chưa sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân.
  • Việc quản lý, kiểm tra, thanh tra, phát hiện xử lý những vi phạm pháp luật, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai chưa kịp thờ1.
  • Tình trạng vi phạm pháp luật đất đai như: Lấn, chiếm đất; sử dụng đất không đúng mục đích; giao đất, chuyển nhượng đất không đúng thẩm quyền, khai thác đất trái phép, cố ý gây cản trở việc giao đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất phục vụ phát triển KT-
  • Một bộ phận người dân cố tình xây dựng, tạo lập tài sản trái phép nhằm trục lợi trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn còn diễn ra ở một số dự án trên địa bàn huyện.
  • Công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ chưa được thường xuyên. Cán bộ địa chính cấp xã còn kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực, việc xử lý, giải quyết công việc chưa kịp thời, chưa đáp ứng được nhiệm vụ được giao.
  • Thực trạng tổ chức thực hiện luật và các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai

Từ khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân có hiệu lực, công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân nói chung, văn bản quy phạm pháp luật về đất đai và lĩnh vực khiếu nại, tố cáo nói riêng được Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng quan tâm chỉ đạo thực hiện việc soạn thảo, lấy ý kiến, thẩm định, trình ban hành đảm đảo theo quy định.

Các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai, lĩnh vực khiếu nại, tố cáo do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành đều đảm bảo đúng các quy định về phân cấp, phân quyền, phân công nhiệm vụ cho địa phương, cụ thể hóa, triển khai văn bản của Trung ương cho phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố.

Việc tổ chức thực hiện Luật và các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai cũng có những khó khăn, hạn chế như: Trong những năm qua, chính sách pháp luật về đất đai do Trung ương ban hành, nhất là trong những quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế có nhiều điều chỉnh và thay đổi. Từ năm 2004 đến nay, sau khi Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, Chính phủ đã ban hành và sửa đổi và bổ sung các Nghị định, Bộ Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh các Thông tư hướng dẫn; Trong đó có nhiều vấn đề Chính phủ giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể cho phù hợp với tình hình địa phương. Do vậy, việc xây dựng, ban hành, thực hiện các văn bản không hợp lý, thiếu tính đồng bộ của hệ thống chính sách pháp luật về đất đai, dẫn đến việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân gặp rất nhiều khó khăn.[2]

Thành phố Hải Phòng đang trong quá trình triển khai quá trình đô thị hóa, mở rộng địa giới hành chính, sát nhập từ xã thành phường, đầu tư chỉnh trang phát triển đô thị, an sinh xã hội, triển khai nhiều dự án lớn, phạm vi rộng, tạo điều kiện cho tốc độ đô thị hóa nhanh, liên quan đến việc thu hồi, giải phóng mặt bằng, kiểm kê, tái định cư đồng thời cũng là nguyên nhân làm phát sinh những vướng mắc, những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân, tổ chức.

2.2.2. Thực trạng lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính và các loại bản đồ về đất đai ( Khóa luận: Thực trạng hoạt động quản lý nhà nước về đất đai )

  • Thực trạng xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính.

Bản đồ địa giới hành chính các cấp của thành phố Hải Phòng được thành lập năm 1996 theo Chỉ thị 364/CT ngày 06/11/1991 của Chủ tịch hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). Thành phố Hải Phòng đã lập 03 bộ hồ sơ và bản đồ địa giới hành chính cấp thành phố; 52 bộ hồ sơ cấp huyện và 1.080 bộ bộ hồ sơ cấp xã. Trên thực địa cắm 603 mốc địa giới hành chính, trong đó có 10 mốc cấp tỉnh, 135 mốc cấp huyện và 458 mốc cấp xã. UBND thành phố đã tổ chức bàn giao cho các quận, huyện, phường, xã, thị trấn quản lý, khai thác.

Bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính đã góp phần quan trọng vào việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước ở cơ sở:

  • Xử lý những vụ việc phức tạp liên quan đến nhiều địa phương, đơn vị
  • Giải quyết các tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính
  • Góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội
  • Là căn cứ để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng và phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội khác.

Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính vào việc lập quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp, đường giao thông, công trình thuỷ lợi,… còn nhiều hạn chế nên có những công trình xây dựng (nhất là công trình giao thông, hệ thống thuỷ lợi, điện,…) không phát huy được hiệu quả của cả vùng. Có tình trạng một nhà máy, một xưởng sản xuất nằm trên địa bàn 2 địa phường, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước. Số lượng mốc địa giới hành chính bị mất mát, hư hỏng lớn: mốc thành phố bị mất 8/10 mốc; mốc cấp huyện bị mất 34/97 mốc; mốc cấp xã bị mất 174/441 mốc. Việc quản lý hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính tại một số quận, huyện, phường, xã, thị trấn chưa đảm bảo; hồ sơ bị mối, mọt, rách nát hoặc thất lạc, mất không rõ nguyên nhân. Do vậy cần có dự án hoàn thiện, hiện đại hoá hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính.

  • Thực trạng đo đạc, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất
  • Bản đồ địa chính

Dữ liệu bản đồ địa chính (chính quy) là dữ liệu không gian được lập để mô tả các yếu tố tự nhiên có liên quan đến việc sử dụng đất bao gồm các thông tin:

  • Vị trí, hình dạng, kích thước, toạ độ đỉnh thửa, số thứ tự, diện tích, mục đích sử dụng của các thửa đất
  • Vị trí, hình dạng, diện tích của hệ thống thuỷ văn gồm sông, ngòi, kênh, rạch, suối; hệ thống thuỷ lợi gồm hệ thống dẫn nước, đê, đập, cống; hệ thống đường giao thông gồm đường bộ, đường sắt, cầu và các khu vực đất chưa sử dụng không có ranh giới thửa khép kín.
  • Vị trí, tọa độ các mốc giới và đường địa giới hành chính các cấp, mốc giới và chỉ giới quy hoạch sử dụng đất, mốc giới và ranh giới hành lang bảo vệ an toàn công trình.
  • Điểm toạ độ địa chính, địa danh và các ghi chú thuyết

Bản đồ địa chính được thành lập theo các quy phạm thành lập bản đồ địa chính do Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Địa chính và Bộ TN & MT ban hành (gồm các quy phạm ban hành vào các năm 1991, 1995 và 1999, 2008); được triển khai thực hiện từ năm 1991 đến nay.

Trên địa bàn thành phố Hải Phòng, hiện mới có 76/224 xã, phường, thị trấn được đo vẽ bản đồ địa chính chính quy với diện tích là 43.419,5 ha đạt 33,9% về số xã, phường, thị trấn và 28,5% về diện tích.

  • Bản đồ hiện trạng và quy hoạch
  • Bản đồ quy hoạch sử dụng đất

Quy hoạch sử dụng đất của thành phố Hải Phòng đã được Bộ TN & MT thẩm định trình Chính phủ phê duyệt trong năm 2012. Đã phê duyệt quy hoạch chi tiết và công bố công khai đối với các quận: Hồng Bàng, Lê Chân, Kiến An, Hải An và Đồ Sơn, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 của các huyện: Vĩnh Bảo, An Lão, Thuỷ Nguyên, Kiến Thụy và Tiên Lãng; Đã phê duyệt quy hoạch chi tiết cho 182/224 xã, phường, thị trấn trên toàn thành phố.

  • Bản đồ quy hoạch xây dựng đô thị:

Thành phố Hải Phòng nằm trong quy hoạch vùng duyên hải Bắc Bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Năm 2009, thành phố Hải Phòng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai quy hoạch chung đã được phê duyệt, thành phố xây dựng quy hoạch chi tiết các quận, huyện, các cụm khu công nghiệp và quy hoạch chi tiết các phường, thị trấn. ( Khóa luận: Thực trạng hoạt động quản lý nhà nước về đất đai )

Thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn thành phố, trên cơ sở quy hoạch chi tiết được duyệt, Sở Xây dựng cấp chứng chỉ quy hoạch có bản đồ chi tiết mặt bằng sử dụng đất cho từng mục đích, từng loại công trình kèm theo là cơ sở để lập hồ sơ, bản đồ địa chính phục vụ cho việc thu hồi đất, bàn giao đất, cấp giấy chứng nhận. Loại bản đồ này thường được xây dựng trên nền bản đồ hiện trạng do ngành Xây dựng thành lập (không sử dụng nền bản đồ địa chính) để phục vụ việc quy hoạch xây dựng.

Nội dung của bản đồ chủ yếu thể hiện ranh giới các lô đất (có cả kích thước cạnh), số hiệu lô đất (bao gồm cả ký hiệu của khu bằng số la mã và số thứ tự lô trong từng khu bằng số Ả Rập), diện tích, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tầng cao công trình, vị trí và quy mô các công trình ngầm.

  • Về hồ sơ giao đất lâm nghiệp

Để thực hiện giao đất lâm nghiệp, Thành phố đầu tư dự án đo đạc lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/2.000, 1/5.000 lập ở hệ toạ độ HN-72 phục vụ cho việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Đến nay, đã cấp xong giấy chứng nhận cho các tổ chức và hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất lâm nghiệp ổn định lâu dài. Hệ thống bản đồ này được số hoá, chuyển về dữ liệu bản đồ số ở hệ VN-2000 theo chuẩn, bản đồ dạng giấy, dạng số được lưu giữ ở 3 cấp: cấp thành phố (tại Trung tâm Công nghệ thông tin), cấp huyện (tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất) và UBND cấp xã.

  • Bản đồ địa hình

Năm 2010 Thành phố Hải Phòng được Bộ TN & MT bàn giao bản đồ địa hình tỷ lệ 1/2.000, trong trong phạm vi từ 20o40’00.0”đến   20o56’15.0” vĩ độ Bắc, 106o31’52.5” đến 106o49’22.5” kinh độ Đông, thuộc phạm vi hành chính các quận nội thành: Hồng Bàng, Kiến An, Lê Chân, Ngô Quyền, một số xã thuộc các huyện Thủy Nguyên, An Dương, An Lão, Kiến Thụy và thị xã Đồ Sơn.

Tổng diện tích đã thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/2.000 xấp xỉ 650km2 (chiếm khoảng 43% diện tích tự nhiên của toàn thành phố) tương đương phạm vi của 510 mảnh bản đồ địa hình tỷ lệ 1/2.000.

  • Thực trạng khảo sát, đánh giá và lập bản đồ phân hạng đất
  • Bản đồ thổ nhưỡng

Bản đồ thổ nhưỡng thành phố Hải Phòng tỷ lệ 1/50.000 lập năm 1995, Bản đồ hiện đang lưu trữ dưới dạng giấy và dạng số tại Viện thổ nhưỡng Nông hoá thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

  • Bản đồ giá đất, bản đồ phân hạng đất

Căn cứ vào các quy định của Chính phủ về việc xây dựng và ban hành bảng giá đất. Hàng năm, UBND thành phố Hải Phòng ban hành bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố vào ngày 01/01. Đến nay chưa xây dựng được bản đồ giá đất.

Bản đồ phân hạng đất: Thực hiện Chỉ thị 299/TTg ngày 10/11/1980 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký thống kê ruộng đất trong cả nước, từ năm 1981-1985, Thành phố Hải phòng đã xây dựng bản đồ phân hạng đất trên địa bàn cấp xã có đất nông nghiệp. Bản đồ này được thành lập trên bản giấy in lam được lưu trữ tại UBND cấp xã. Tuy nhiên, hệ thống bản đồ này đã mục, cũ, nát, nhiều nơi bị thất lạc, vì thế ít có giá trị đối với hạ tầng dữ liệu đất đai.

2.2.3. Thực trạng lập và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ( Khóa luận: Thực trạng hoạt động quản lý nhà nước về đất đai )

  • Thực trạng lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Căn cứ Luật Đất đai năm 2013; Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013; Thông tư 29/2014/TT-BTNMT ngày 02/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng lập Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 29/3/2013; Công văn số 4339/UBND-ĐC1 ngày   20/6/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cho các quận/huyện trên địa bàn [9].

Trên cơ sở Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt; Ủy ban nhân dân cấp huyện đã triển khai thực hiện việc lập Kế hoạch sử dụng đất hàng năm trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt làm căn cứ thực hiện việc giao đất cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.

  • Thực trạng tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Điều 52 Luật Đất đai năm 2013 đã quy định việc giai đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất từ cấp tỉnh đến cấp huyện, phải thực hiện nghiêm theo nguyên tắc quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch cấp trên.

Việc sử dụng đất không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là trái luật; việc bổ sung, điều chỉnh phải dựa trên cơ sở của luật.

Công tác triển khai công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được triển khai tới tận các khu dân cư, việc tuyên truyền thực hiện chấp hành pháp luật đất đai cũng như sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch được các cấp ủy chính quyền, các ban ngành đoàn thể tuyên truyền sâu rộng đến người dân; các hệ thống thông tin truyền thông được triển khai đưa tin sâu, rộng.

2.2.4.  Thực trạng giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất ( Khóa luận: Thực trạng hoạt động quản lý nhà nước về đất đai )

  • Thực trạng giao đất, cho thuê đất

Trong kỳ kế hoạch sử dụng đất 2016 – 2020 (tính đến tháng 8/2018) Ủy ban nhân dân thành phố đã quyết định giao đất/cho thuê 410 dự án, diện tích 6.975,7 ha, trong đó [10]:

  • Năm 2016 có 93 dự án, diện tích 038,7ha:
  • Nhóm đất phát triển công nghiệp: 48 dự án, diện tích 821,7ha
  • Nhóm các dự án phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng: 38 dự án, diện tích 163,0ha
  • Nhóm án khác: 7 dự án, diện tích 53,9ha
  • Năm 2017 có 40 dự án, diện tích 865,1ha:
  • Nhóm đất phát triển công nghiệp: 5 dự án, diện tích 33,5ha
  • Nhóm các dự án phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng: 27 dự án, diện tích 359,9ha
  • Nhóm án khác: 8 dự án, diện tích 471,6ha

Các dự án được thành phố giao đất/thuê đất cơ bản đã đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đô thị thành phố; giải quyết nhu cầu việc làm, nhà ở cho công dân của thành phố góp phần tăng trưởng kinh tế thành phố. Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được vẫn còn các tồn tại trong công tác quản lý đất đai cần được tập trung xử lý kịp thời, dứt điểm.

  • Thực trạng việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất

Quá trình thực hiện công tác đầu tư xây dựng và hoạt động, với nhiều lý do khác nhau một số dự án còn chậm đưa đất vào sử dụng hoặc để hoang hóa lãng phí đất, gây bức xúc trong dư luận; việc xem xét xử lý theo quy định pháp luật về đất đai trên địa bàn đã được các cấp các ngành và địa phương thực hiện với các kết quả cụ thể như sau:

Việc kiểm tra, xử lý là việc thường xuyên, liên tục trong công tác quản lý đất đai.

  • Thực hiện Chỉ thị 134/CT-TTg ngày 20/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ, qua thanh tra, kiểm tra các tổ chức được giao đất, thuê đất trên địa bàn thành phố đã lập hồ sơ xử lý 28 tổ chức sử dụng đất trong giai đoạn từ tháng 01/2011 đến ngày 31/12/2015 cụ thể như sau:
  • Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành 07 quyết định thu hồi của 06 tổ chức vi phạm khoản 3, khoản 8, khoản 12 điều 38 Luật Đất đai với diện tích 385,5m2 giao địa phương quản lý và nhà đầu tư khác sử dụng;
  • Đã lập hồ sơ xử lý thu hồi đất 10 tổ chức có hành vi vi phạm khoản 3, 4, 12 điều 38 Luật Đất đai với diện tích 945,6 m2.

Trong số 10 tổ chức nói trên có 02 tổ chức đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị thu hồi đã trình Ủy ban nhân dân thành phố do vi phạm khoản 2, 12 điều 38 Luật Đất đai với diện tích 162.221,89m2. Còn lại 12 tổ chức với tổng diện tích là 192.619,06m2 qua xem xét cho thấy cần phải tiếp tục xác minh, lập hồ sơ để thu hồi đất 10/12 tổ chức nói trên với diện tích 54.332,75m2/192.619,06m2; 02 tổ chức còn lại qua xem xét vẫn còn nhu cầu sử dụng, chưa đủ điều kiện để thu hồi.

Một số Dự án vi phạm khoản 3, 8 điều 38 Luật đất đai, không nằm trong kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 134/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình Ủy ban nhân dân thành phố thu hồi 05 tổ chức, diện tích 18.666,2m2.

  • Thực hiện Luật Đất đai năm 2013, qua kiểm tra, rà soát, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình Ủy ban nhân dân thành phố thu hồi đất của 06 tổ chức sử dụng đất theo khoản 1, 3 điều 64 Luật Đất đai năm 2013, với diện tích 096,10m2 .
  • Thực hiện Nghị quyết số 06/2016/NQ-HĐND ngày 29/3/2016 của Hội đồng nhân dân thành phố về nhiệm vụ, giải pháp thu hồi diện tích đất đã giao, cho thuê không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền, chậm đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí tài nguyên đất. Trong đó nhiệm vụ trong giai đoạn 2016-2017 sẽ kiểm tra, rà soát, thực hiện thủ tục thu hồi đất đối với 40 tổ chức, doanh nghiệp/diện tích 299 ha vi phạm về pháp luật đất đai.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 29/QĐ-STNMT ngày 10/3/2016 về việc thành lập Tổ giúp việc thực hiện việc kiểm tra, rà soát, đề xuất biện pháp xử lý vi phạm pháp luật về đất đai đối với tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố [7].

Đến nay Tổ công tác theo Quyết định số 29/QĐ-STNMT ngày 10/3/2016 của Sở tài nguyên và Môi trường đã trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định thu hồi đất của 07 tổ chức/diện tích 4,6 ha và kiểm tra, rà soát trình Ủy ban nhân dân thành phố thu hồi đất của 17 tổ chức/diện tích 256,33 ha.

2.2.5. Thực trạng đăng ký quyền sử dụng đất, lập và quản lý hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thống kê, kiểm kê đất ( Khóa luận: Thực trạng hoạt động quản lý nhà nước về đất đai )

  • Thực trạng đăng ký quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Đến nay, Hải Phòng đã cơ bản hoàn thành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Số lượng đã cấp tính đến hết tháng 9/2017 như sau:

  • Đất ở: Cấp 166 Giấy chứng nhận đất quyền sử dụng đất ở lần đầu, đạt 95,25% tổng số thửa cần cấp, trong đó đất ở tại đô thị là 182.784 Giấy chứng nhận, đạt 98,73%; đất ở nông thôn là 307.381 Giấy chứng nhận, đạt 93,3%.
  • Đất chuyên dùng: Cấp 5.199 Giấy chứng nhận (đạt 84,88%) trong đó: tổ chức kinh tế 854 (đạt 99,93%); tổ chức hành chính sự nghiệp 1.616 Giấy chứng nhận (đạt 77,69%); cơ sở tôn giáo 371 Giấy chứng nhận (đạt 52,03%); an ninh quốc phòng 358 Giấy chứng nhân (đạt 75,21%).

Thực trạng lập và quản lý hồ sơ địa chính

Hồ sơ địa chính của thành phố Hải Phòng chưa được đầu tư kinh phí đúng mức để lập, xây dựng và quản lý; hầu hết các quận, huyện đều sử dụng các loại tài liệu cũ được lập theo Chỉ thị 245 của Thủ tướng Chính phủ; hồ sơ địa chính không được cập nhật, chỉnh lý biến động thường xuyên.

Năm 2016, thành phố phê duyệt Dự án đo đạc, lập bản đồ đia chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn toàn thành phố. Kinh phí bố trí để thực hiện Dự án là 64 tỷ đồng. Hiện có 17 đơn vị cấp xã đã xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, trong đó có 13 đơn vị cấp xã có cơ sở dữ liệu quản lý tập trung và đưa vào khai thác sử dụng; nhập thông tin 27.815 thửa đất vào cơ sở dữ liệu, quét hồ sơ và cơ sở dữ liệu và tích hợp vào cơ sở dữ liệu cấp thành phố.

  • Công tác thống kê, kiểm kê đất đai

Công tác thống kế đất đai của thành phố được thực hiện hàng năm, chất lượng được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và nghiệm thu đúng quy định.

Công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2014 trên địa bàn thành phố Hải Phòng theo Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 01/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành. Kết quả kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2016 được tiến hành trên phạm vi toàn thành phố, trong đó cấp xã là đơn vị cơ bản thực hiện kiểm kê; kết quả kiểm kê hiện trạng sử dụng đất cấp xã là cơ sở để tổng hợp kết quả kiểm kê hiện trạng sử dụng đất cấp huyện và toàn thành phố.

Việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2016 đã được đổi mới về phương pháp, tổ chức khoa học, chặt chẽ, được ứng dụng công nghệ thông tin trong suốt quá trình thực hiện, do đó đã nâng cao được chất lượng, cơ bản khắc phục được những hạn chế, tồn tại của các kỳ kiểm kê đất đai trước đây, chất lượng sản phẩm kiểm kê đất đai năm 2016 có độ tin cậy và chính xác cao hơn.

2.2.6. Thực trạng quản lý tài chính về đất đai, giá đất và quản lý thị trường quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản ( Khóa luận: Thực trạng hoạt động quản lý nhà nước về đất đai )

  • Thực trạng quản lý tài chính

Nhà nước quản lý tài chính về đất đai thông qua các nguồn thu vào ngân sách nhà nước từ đất đai theo luật đất đai năm 2013 và các văn bản thi hành luật. Cơ quan tài chính phối hợp cơ quan quản lý đất đai sử dụng nguồn lực tài chính đầu tư cơ sở vật chất về quản lý đất đai cũng như bảo vệ môi trường mặt đất, mặt nước và nguồn tài nguyên đất đảm bảo độ màu mỡ phục vụ nuôi trồng trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện bồi thường đất khi thu hồi để giao đất cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là công trình giao thông, thủy lợi và phúc lợi xã hội khác, phục vụ mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển đô thị, phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Các khoản thu từ đất trên địa bàn Thành phố Hải Phòng bao gồm:

  • Thu tiền sử dụng đất khi nhà nước giao đất đối với những trường hợp không thông qua hình thức đất giá quyền sử dụng đất
  • Thu tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở và đất phi nông nghiệp khác
  • Thu tiền sử dụng đất khi chuyển từ thuê đất sang giao đất
  • Thu tiền thuê đất, thuê mặt nước
  • Thu lệ phí trước bạ, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.

Trình tự, thủ tục, đối tượng, mức thu, thực hiện đúng quy định. Việc giao đất có thu tiền sử dụng đất thực hiện theo hình thức đấu giá, các khoản thu từ khai thác quỹ đất ngày càng tăng tạo nguồn tài chính đầu tư phát triển thành phố, góp phần giải quyết sức ép chi từ ngân sách nhằm thúc đẩy kinh tế của thành phố phát triển toàn diện.

  • Thực trạng xây dựng giá đất

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện điều tra, khảo sát giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường để làm căn cứ xây dựng giá đất và đã được UBND thành phố Hải Phòng thông qua Quyết định số 2970/2014/QĐ-UBND ngày 25/12/2014 được áp dụng 05 năm (2015-2019) trên địa bàn thành phố.

Bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố 05 năm (2015-2019) đã được Hội đồng nhân dân thành phố khóa XIV thông qua kỳ họp thứ 9 và được UBND thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 2970/2014/QĐ-UBND ngày 25/12/2014 được sử dụng tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân; tính thuế sử dụng đất; tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai; tính giá trị quyền sử dụng đất để trả cho người tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước đối với trường hợp đất trả lại là đất Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất có thu tiền sử dụng đất, đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. [8]

Sau hơn một năm thực hiện bảng giá đất, thực tế trong quá trình xác định giá đất cụ thể để làm căn cứ xác định giá khởi điểm thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất các dự án trên địa bàn thành phố thì giá đất cụ thể tăng so với bảng giá đất, một số khu vực tăng trên 20% do chuyển nhượng thực tế trên thị trường có biến động tăng. Một số khu tái định cư, khu đấu giá và dự án phát triển nhà đã đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, hiện trạng các hộ dân sinh hoạt ổn định cần điều chỉnh giá đất.

  • Thực trạng quản lý thị trường quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản

Thành phố đã thành lập Trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Hàng năm Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ gửi các huyện, quận về thực hiện xây dựng phương án đấu giá quyền sử dụng đất và xây dựng thông tin giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường.

Nhìn chung thị trường quyền sử dụng đất và thị trường bất động sản bước đầu hoạt động có tổ chức, nhưng cơ chế vận hành và phát triển thị trường chuyển quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản còn gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc vào khả năng cung cầu của thị trường với các yếu tố động lực từ tiến độ các dự án khu công nghiệp, khu kinh tế, các công trình dự án trọng điểm.

2.2.7. Thực trạng thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai ( Khóa luận: Thực trạng hoạt động quản lý nhà nước về đất đai )

  • Thực trạng thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất của các cấp chính quyền của thành phố

Trong những năm qua, Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố đã gặt hái được những kết quả công tác khá toàn diện về các lĩnh vực quản lý. Công tác quản lý nhà nước về đất đai dần đi vào nề nếp, ổn định, góp phần vào sự ổn định và phát triển kinh tế – xã hội toàn thành phố.

Bên cạnh đó thành phố cũng gặp không ít những khó khăn, tồn tại do cả khách quan và chủ quan đem lại; việc xử lý những vi phạm về đất đai tại các địa phương diễn ra nhiều năm gặp khó khăn, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi thực hiện các dự án lớn phát triển kinh tế xã hội của thành phố, các vụ việc diễn biến phức tạp cần được kiểm tra, xử lý. Xác định đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thành phố đã chỉ đạo các cấp/ngành luôn quan tâm.

Hàng năm, Ủy ban nhân dân thành phố giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra; thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai tại các địa phương, các tổ chức quản lý sử dụng đất đai trên địa bàn toàn thành phố. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ chuyên trách về đất đai tham mưu cho lãnh đạo địa phương; lãnh đạo các tổ chức thực hiện tốt hơn trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường nói chung và về lĩnh vực đất đai nói tại các địa phương trên địa bàn thành phố;

  • Thực trạng xử lý vi phạm pháp luật và quy hoạch sử dụng đất

Qua Thanh tra, kiểm tra phát hiện nhiều tổ chức sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, các vi phạm chủ yếu là: còn để một phần đất lãng phí, chưa đưa vào sử dụng, sử dụng đất kém hiệu quả, sử dụng đất sai mục đích, để đất bị lấn chiếm hoặc có hành vi lấn, chiếm đất công…; Xây dựng các công trình không đúng quy hoạch, không có giấy phép; thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất không đầy đủ hoặc chậm nộp, nợ đọng tiền thuê đất, tiền sử dụng đất. Đa số các hành vi vi phạm phát luật trên của các tổ chức này đã xảy ra từ nhiều năm nhưng không được chính quyền địa phương phát hiện kịp thời, kiểm tra, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm; có nhiều trường hợp đã được kiểm tra, xử lý nhưng các tổ chức vi phạm chỉ thực hiện nộp tiền phạt, chưa vào ngân sách Nhà nước thực hiện nghiêm biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định;

Công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng của các chính quyền địa phương còn nhiều bất cập; thiếu kiên quyết trong việc phát hiện ngăn chặn và yêu cầu khắc phục hậu quả các hành vi sai phạm; các công tác biến động đất đai chưa thương xuyên kịp thời; Một số địa phương chưa làm tốt công tác quản lý, giám sát các tổ chức sử dụng đất trên địa bàn thành phố; Chưa kịp thời phát hiện, xử lý khi các tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai; việc thu hồi của một số tổ chức bị lấn chiếm gặp nhiều khó khăn do các hộ đã lấn chiếm từ trước, một số nơi đã hình thành các khu chung cư tập trung và sử dụng ổn định.

Qua thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai đã phát hiện, lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với 159 tổ chức với số tiền là 1.071.950.000 đồng và yêu cầu các tổ chức vi phạm thực hiện biện pháp khắc khục hậu quả theo quy định. Thu hồi 1.434.968,62 m2 tại 43 dự án do vi phạm pháp luật đất đai. Truy thu được 2.636.813.960 đồng tiền thuê đất do một số tổ chức nợ đọng từ những năm trước [11].

2.2.8. Thực trạng giải quyết tranh chấp về đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo các vi phạm trong việc quản lý và sử dụng đất đai

  • Thực trạng tranh chấp, khiếu kiện về đất đai

Từ nhiều năm nay, tình hình khiếu nại, tố cáo luôn là vấn đề bức bách được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Đảng và Nhà nước đã có nhiều Chỉ thị, Nghị quyết về vấn đề này. Các văn bản đó đã và đang được triển khai thực hiện, có tác động tích cực đến tình hình khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhờ vậy, nhiều “điểm nóng”, nhiều vụ việc phức tạp đã được giải quyết, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của thành phố. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, thời gian gần đây tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân diễn ra không bình thường, số lượng gia tăng, tính chất phức tạp. Trong đó, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai chiếm số lượng lớn, khoảng 80% so với các khiếu nại, tố cáo trong cả nước.

Tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp của công dân trong lĩnh vực đất đai diễn ra gay gắt, phức tạp ở hầu hết các quận/huyện trên địa bàn thành phố Hải Phòng, nhiều nơi đã trở thành điểm nóng. Số lượng đơn vượt cấp gửi đến các cơ quan ở thành phố, Trung ương nhiều, nội dung thể hiện tính bức xúc, gay gắt, không chấp nhận với cách giải quyết của chính quyền địa phương. Số lượng công dân đến khiếu nại trực tiếp tại phòng tiếp công dân của thành phố. Nhiều vụ việc công dân tụ tập thành đoàn, đi xe, căng cờ, biểu ngữ… kéo đến các cơ quan chính quyền, Đảng,… nhằm gây áp lực đòi được giải quyết quyền lợi theo yêu cầu. Số lượng công dân tập trung đông chủ yếu ở các kỳ họp Hội đồng nhân dân, Quốc hội, Đại hội đảng, có nơi công dân tập trung huy động thương binh, phụ nữ, người già, trẻ em bao vây trụ sở chính quyền xã, huyện, doanh nghiệp gây mất trật tự, an toàn cho toàn thành phố.

Trên địa bàn thành phố có nhiều vụ việc khiếu nại liên quan đến đất đai. Trong tổng số đơn khiếu nại, tố cáo hàng năm của các cơ quan hành chính Nhà nước nhận được có khoảng 70% là đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; tính chất và quy mô phức tạp của đơn thư khiếu nại, tố cáo ngày càng gia tăng , khiếu kiện đông người, khiếu kiện kéo dài, phức tạp ngày càng nhiều, năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt tập tập trung vào những địa bàn trọng điểm liên quan đến việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư tại các quận mới và các quận giáp nội thành do tốc độ đô thị hóa cao, đất đai có giá trị; đòi lại đất cũ, tranh chấp đất đai, nhà ở… Ngoài ra, có một số khiếu nại liên quan đến việc thực hiện chính sách xã hội, kỷ luật của cán bộ, công chức… Về nội dung tố cáo, chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức làm sai chính sách, tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đất đai, tài chính, đầu tư, xây dựng cơ bản, thực hiện chính sách xã hội, cổ phần hóa doanh nghiệp; thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, bao che người bị tố cáo, không xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.

  • Thực trạng xử lý tranh chấp, khiếu kiện về đất đai

Đã tiếp nhận 1.569 đơn (216 đơn khiếu nại, 175 đơn tố cáo, 1.178 đơn kiến nghị), trong đó lĩnh vực đất đai chiếm khoảng 70% trong tổng sổ đơn; thành phố đã có văn bản giao các cấp/ngành hướng dẫn, giải quyết hoăc chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định, cơ bản đơn được giải quyết, xử lý kịp thời, không có đơn thư vượt cấp.

Mời bạn tham khảo thêm:

Khóa luận: Giải pháp nâng cao quản lý nhà nước về đất đai

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
1 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
trackback

[…] → Khóa luận: Thực trạng hoạt động quản lý nhà nước về đất đai […]

1
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x
Contact Me on Zalo
0877682993