Khóa luận: Làng gốm Bát Tràng và tiềm năng phát triển du lịch

Rate this post

Chia sẻ chuyên mục Đề Tài Khóa luận: Làng gốm Bát Tràng và tiềm năng phát triển du lịch hay nhất năm 2023 cho các bạn học viên ngành đang làm khóa luận tốt nghiệp tham khảo nhé. Với những bạn chuẩn bị làm bài luận văn tốt nghiệp thì rất khó để có thể tìm hiểu được một đề tài hay, đặc biệt là các bạn học viên đang chuẩn bị bước vào thời gian lựa chọn đề tài làm luận văn thì với đề tài: Làng gốm Bát Tràng và tiềm năng phát triển du lịch dưới đây chắc chắn sẽ giúp cho các bạn học viên có cái nhìn tổng quan hơn về đề tài sắp đến.

LỜI MỞ ĐẦU

1. Lí do chọn đề tài

Từ lâu, du lịch đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu đối với con người. Không chỉ nhằm mục đích tham quan, vui chơi, giải trí, ngày nay người ta đi du lịch còn với nhu cầu tìm hiểu các giá trị văn hoá truyền thống của nơi đến. Một trong những địa điểm không thể bỏ qua cho những ai ham hiểu biết, đó là du lịch đến các làng nghề truyền thống.

Thăng Long với 61 phường thời Lý – Trần, 36 phố phường thời Lê – Nguyễn và Hà Nội ngày nay là nơi hội tụ các làng nghề từ khắp mọi miền đất nước. Sự phát triển của làng nghề không chỉ có vai trò nâng cao mức sống, mà còn là dấu ấn truyền thống văn hoá dân tộc mỗi thời kì dựng nước và giữ nước.

Lịch sử phát triển văn hoá cũng như lịch sử phát triển kinh tế nước nhà luôn gắn liền với lịch sử phát triển của làng nghề Việt Nam. Bởi những sản phẩm thủ công mĩ nghệ không chỉ là những vật phẩm văn hoá hay vật phẩm kinh tế thuần tuý cho sinh hoạt bình thường hàng ngày mà nó chính là những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu cho nền văn hoá – xã hội, cho mức phát triển kinh tế, cho trình độ dân trí và đặc điểm nhân văn của dân tộc. Điều đặc biệt nữa là các làng nghề không chỉ đơn thuần sản xuất ra những sản phẩm hàng hoá như trong một công xưởng sản xuất mà nó là cả một môi trường văn hoá, kinh tế, xã hội và công nghệ truyền thống lâu đời. Nó bảo lưu những tinh hoa nghệ thuật và kĩ thuật truyền từ đời này sang đời khác, được thể hiện qua bàn tay, khối óc của các thế hệ nghệ nhân tài năng với những sản phẩm mang bản sắc riêng của mình nhưng lại tiêu biểu cho cả dân tộc Việt Nam. ở mỗi làng nghề xưa và nay, tự nó đã mang trong mình hai yếu tố cơ bản: Truyền thống văn hoá và truyền thống nghề nghiệp. Hai yếu tố này hoà quyện không tách rời nhau tạo nên văn hoá làng nghề nói riêng và văn hoá Việt Nam nói chung. Khóa luận: Làng gốm Bát Tràng và tiềm năng phát triển du lịch.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch, hàng năm có tới 800 triệu người đi du lịch. Con số này sẽ là hơn 1 tỉ vào năm 2010 và đạt 1,6 tỉ vào năm 2020. Trong số đó, chiếm 60% dòng khách du lịch hiện nay là chọn du lịch văn hoá – làng nghề. Nước ta có hơn 2000 làng nghề thủ công, nếu được quan tâm đúng mức thì tiềm năng phát triển du lịch sẽ rất lớn.

Khi nói đến làng nghề truyền thống nước ta, không thể không nói tới một làng nghề nổi tiếng bậc nhất nhì trong quá khứ cũng như trong hiện tại, đó là làng gốm Bát Tràng – Hà Nội.

  • “ Ước gì anh lấy được nàng
  • Để anh mua gạch Bát Tràng về xây
  • Xây dọc rồi lại xây ngang
  • Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân”

Câu ca dao quen thuộc từ thuở xưa của ông cha ta đã khái quát không chỉ chất lượng mà còn cả danh tiếng của sản phẩm gốm sứ và gạch của vùng. Không chỉ là vẻ đẹp được tô điểm bằng câu chữ hoa mĩ trên giấy, nét đẹp của sản phẩm Bát Tràng là vẻ đẹp tinh xảo thể hiện trên từng chi tiết, đường nét từ khi chỉ là vật liệu thô cho đến khi thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Không phải là tự nhiên khi anh chàng trong câu ca dao trên lại muốn mua gạch Bát Tràng để xây hồ cho người anh yêu rửa chân mà bởi lẽ gạch Bát Tràng có độ rắn cao, chất lượng tốt thường được dùng để xây nhà, lát sân, xây giếng…

Là sự kết hợp hoàn mĩ của những sản phẩm gốm sứ tuyệt đẹp với những giá trị lịch sử và truyền thống, Bát Tràng hiện nay không chỉ là một làng nghề sản xuất thuần tuý. Với nhiều công trình tín ngưỡng, văn hoá cùng sản phẩm gốm nổi tiếng, ngôi làng trở thành một địa điểm du lịch thu hút của thành phố Hà Nội. Đến với Bát Tràng, du khách sẽ được những người dân địa phương đã gắn bó cả cuộc đời với làng nghề hướng dẫn tham quan và kể về những câu chuyện đời, sự tích gắn bó với quá trình phát triển của làng gốm. Bát Tràng không đơn thuần là một làng nghề mà còn là một làng văn hoá. Bên cạnh đó, dưới sự hướng dẫn của những người thợ lành nghề, kinh nghiệm trên 20 năm với nghề gốm sứ, du khách sẽ được hướng dẫn một cách tỉ mỉ, cụ thể để thử sức làm một nghệ nhân không chuyên. Dưới đôi bàn tay mình, bạn sẽ thấy những hòn đất vô tri sẽ có hồn và trở thành một sản phẩm thực sự. Có lẽ vì thế mà ngày nay, Bát Tràng đã trở thành một điểm đến không thể thiếu cho những ai yêu thích tìm hiểu về văn hoá truyền thống dân tộc nói chung, và tìm hiểu làng nghề truyền thống nói riêng.

Một thực tế có thể thấy rằng, hiện nay, ngoài mục đích chính là sản xuất các mặt hàng thủ công truyền thống, một số làng nghề đã kết hợp đưa hoạt động du lịch vào khai thác tại làng. Bát Tràng cũng là một trong số ít những làng nghề đã có hoạt động du lịch tương đối phát triển. Tuy nhiên, để hoạt động du lịch ở các làng nghề truyền thống nói chung và ở Bát Tràng nói riêng phát triển thật sự có hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của đất nước phát triển, đồng thời lưu giữ và giới thiệu được những nét văn hoá đặc sắc nhất tới bạn bè quốc tế thì chúng ta cần có sự nghiên cứu sâu hơn nữa, đầu tư, quy hoạch phát triển để phát huy những tiềm năng du lịch của làng nghề một cách cụ thể và có hiệu quả.

Chính vì những lí do trên, em đã chọn đề tài “ Làng gốm Bát Tràng và tiềm năng phát triển du lịch” với mong muốn có thể góp phần giới thiệu thêm về làng gốm cổ nhất Việt Nam và đưa ra một số giải pháp nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng của làng nghề truyền thống này để phục vụ phát triển du lịch.

Có thể bạn quan tâm:

===>>> Viết Thuê Khóa Luận Tốt Nghiệp Ngành Du Lịch

2. Mục đích và nội dung nghiên cứu

2.1. Mục đích nghiên cứu

Đề xuất một số ý kiến nhằm khai thác tốt hơn những tiềm năng du lịch mà làng gốm Bát Tràng có được, đặc biệt là tiềm năng cho phát triển du lịch làng nghề.

2.2. Nội dung nghiên cứu Khóa luận: Làng gốm Bát Tràng và tiềm năng phát triển du lịch.

Khoá luận tập trung nghiên cứu về những tiềm năng du lịch tại làng gốm Bát Tràng, như: lịch sử làng gốm, các tài nguyên du lịch, điều kiện về kinh tế, xã hội, cơ sở vật chất kĩ thuật hạ tầng xã hội, các cơ chế chính sách, đầu tư tại làng gốm Bát Tràng; và thực trạng khai thác những tiềm năng đó tại Bát Tràng hiện nay. Qua đó nêu lên một số ý kiến góp phần khai thác tốt hơn những tiềm năng này.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Các di tích lịch sử văn hoá, cảnh quan làng nghề, các hoạt động sản xuất có thể phục vụ khai thác du lịch, các hoạt động du lịch hiện nay tại làng gốm Bát Tràng.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

Khoá luận tập trung nghiên cứu về làng gốm Bát Tràng và các hoạt động khai thác du lịch hiện nay tại làng nghề Bát Tràng.

4. Phương pháp nghiên cứu

  • Phương pháp thu thập: thu thập thông tin qua các sách, báo, mạng internet…
  • Phương pháp xử lý thông tin: em đã vận dụng phương pháp xử lý thông tin thu thập được để hoàn thành bài khoá luận này.

5. Bố cục khoá luận

Ngoài phần mở đầu và kết luận, khoá luận được chia thành 3 chương:

  • Chương 1: Một số vấn đề lí luận về làng nghề truyền thống và tiềm năng phát triển du lịch.
  • Chương 2: Tiềm năng của làng nghề truyền thống Bát Tràng phục vụ phát triển du lịch.
  • Chương 3: Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh khai thác tiềm năng của làng nghề truyền thống Bát Tràng phục vụ phát triển du lịch. Khóa luận: Làng gốm Bát Tràng và tiềm năng phát triển du lịch.

CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN VỀ LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG VÀ TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH

1.1. Du lịch

1.1.1. Khái niệm du lịch

Thuật ngữ du lịch ngày càng trở nên thông dụng, được bắt đầu bằng tiếng Pháp “tour” nghĩa là đi vòng quanh, dạo chơi và “tourist” là người đi dạo chơi. Du lịch gắn liền với việc nghỉ ngơi, giải trí nhằm phục hồi sức khoẻ, tái tạo lại sức lao động cho con người, tạo ra nguồn sinh lực dồi dào đem lại hiệu quả cho lao động và cuộc sống hàng ngày.

Ngày nay có rất nhiều các khái niệm khác nhau về du lịch:

Theo WTO:

Du lịch bao gồm mọi hoạt động của những người du hành tạm trú trong mục đích tham quan, khám phá và tìm hiểu trải nghiệm hoặc trong mục đích nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn cũng như mục đích hành nghề hoặc các mục đích khác nữa trong thời gian liên tục nhưng không quá một năm ở bên ngoài môi trường sống định cư, nhưng loại trừ các du hành mà có mục đích chính là kiếm tiền”.

Theo các học giả Trung Quốc:

Du lịch là một hiện tượng kinh tế xã hội nảy sinh trong điều kiện kinh tế xã hội nhất định, và tổng hoà tất cả các mối quan hệ và hiện tượng trong hành trình để thoả mãn nhu cầu nghỉ ngơi giải trí và văn hoá nhưng lưu động chứ không định cư tạm thời”.

Du lịch là sự kết hợp tương tác của bốn nhóm nhân tố trong quá trình phục vụ du khách bao gồm: du khách, nhà cung ứng, cư dân sở tại và chính quyền nơi đón khách du lịch”.

Theo nhóm tác giả của Đại học Kinh tế quốc dân: Khóa luận: Làng gốm Bát Tràng và tiềm năng phát triển du lịch.

Du lịch là một ngành kinh doanh bao gồm các tổ chức hướng dẫn du lịch, sản xuất trao đổi hàng hoá và dịch vụ của các doanh nghiệp nhằm đáp ứng các nhu cầu về đi lại, lưu trú, ăn uống, tham quan, giải trí, tìm hiểu và các nhu cầu khác của khách du lịch, các hoạt động đó phải mang lại lợi ích kinh tế – xã hội thiết thực cho nước làm du lịch và cho doanh nghiệp”.

Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí, tìm hiểu, nghỉ dưỡng trong một thời gian nhất định”.

Ngành du lịch của nước ta chính thức ra đời khi công ty Du lịch của Việt Nam được thành lập ngày 09/7/1960 theo nghị định 26/ CP của Chính phủ. Sau năm 1975, hoạt động du lịch có bước phát triển mới. Tuy nhiên du lịch chỉ thực sự chuyển biến mạnh mẽ và trở thành một ngành kinh tế khi đất nước tiến hành đổi mới, đặc biệt từ những năm 90 của thế kỉ XX. Đảng và Nhà nước đã khẳng định “ Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp quan trọng góp phần nâng cao dân trí, tạo việc làm và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước” và coi “Phát triển du lịch là một hướng chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế – xã hội góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phấn đấu từng bước đưa nước ta thành trung tâm du lịch, thương mại – dịch vụ có tầm cỡ trong khu vực” (Chỉ thị số 46 – CT/TW, ngày 14/10/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ).

1.1.2. Chức năng của du lịch

Chức năng kinh tế: Đây là nhân tố để phát triển kinh tế ở các điểm quần cư và các đối tượng đón khách. Thông qua du lịch, cơ sở vật chất kĩ thuật được sử dụng đầy đủ, hiệu quả hơn. Đây được coi là “ngành công nghiệp không khói”, ngành công nghiệp mới đem lại nhiều lợi nhuận cho đất nước thông qua các hình thức kinh doanh: khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, hàng hoá lưu niệm và thúc đẩy các ngành khác phát triển như: vệ sinh, môi trường, hệ thống giao thông…

Chức năng xã hội – tư tưởng – văn hoá: Việc phát triển du lịch theo hướng chủ động sẽ dẫn đến sự phát triển kinh tế ở nơi đến. Từ đó có thể tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, góp phần giải quyết việc làm cho cộng đồng địa phương, cải thiện chất lượng cuộc sống cho họ và góp phần giao lưu văn hoá.

Chức năng sinh thái: du lịch góp phần tạo nên môi trường sống ổn định.

Chức năng chính trị: có ý nghĩa trong du lịch quốc tế, góp phần nâng cao hoà bình giữa các dân tộc, quốc gia. Từ đó đẩy mạnh giao lưu quốc tế, củng cố hoà bình trên thế giới. Du lịch giúp con người ở các quốc gia khác nhau gần nhau hơn.

1.1.3. Tính chất của du lịch hiện đại Khóa luận: Làng gốm Bát Tràng và tiềm năng phát triển du lịch.

  • Là kết quả tất yếu của sự phát triển xã hội hiện nay.

Khi trình độ sản xuất của con người ngày càng phát triển, đời sống được nâng cao, con người có thời gian rỗi nhiều hơn, trình độ tri thức của con người được nâng cao, họ có mong muốn đi du lịch để vui chơi, giải trí, vượt ra khỏi không gian đời sống hàng ngày chật hẹp của mình.

Mặt khác, khi đời sống được ổn định, mối quan hệ xã hội ngày càng thân thiện, con người đi du lịch không chỉ đơn thuần là vui chơi, giải trí, mà nó còn mang ý nghĩa để học tập, nghiên cứu, và thậm chí là đi du lịch với nhiều mục đích khác nhau.

Vì vậy có thể thấy rằng du lịch là kết quả tất yếu, là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người trong xã hội hiện nay.

  • Là bộ phận cấu thành đời sống vật chất và tinh thần của con người hiện đại.

Khi xã hội càng phát triển thì du lịch trở thành nhu cầu thiết yếu không thể thiếu của con người. Du lịch trở thành một trong những chuẩn mực để đánh giá mức sống của con người. Con người có đời sống vật chất đầy đủ sẽ có nhu cầu đi du lịch nhiều. Du lịch cũng là một trong số những món ăn tinh thần không thể thiếu của con người, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, khám phá của con người đối với tự nhiên, xã hội và lịch sử.

  • Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mang nội dung văn hoá sâu sắc, có tính liên vùng, liên ngành và xã hội hoá cao.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, bởi sản phẩm du lịch là sản phẩm vô hình, nơi mà du khách đến tham quan thường nằm ở xa nơi cư trú của khách du lịch. Vì vậy du lịch phải là ngành kinh tế tổng hợp mang tính chất liên vùng, liên ngành để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, kết nối khách du lịch với các vùng du lịch.

Du lịch mang nội dung văn hoá sâu sắc vì sản phẩm của du lịch ngoài những danh lam thắng cảnh, còn có những nét đặc trưng văn hoá sâu sắc của từng vùng, từng miền, giúp cho du khách khi đi du lịch có thể tìm hiểu lịch sử, phong tục tập quán của địa phương. Đó là nét văn hoá truyền thống mà nhân dân còn giữ lại được để lưu truyền cho đời sau.

1.2. Làng nghề truyền thống Khóa luận: Làng gốm Bát Tràng và tiềm năng phát triển du lịch.

1.2.1. Khái niệm làng nghề

Cho đến nay vẫn chưa có khái niệm chính thức về “làng nghề”. Theo giáo sư Trần Quốc Vượng thì “ làng nghề là một làng tuy vẫn còn trồng trọt theo lối tiểu nông và chăn nuôi nhưng cũng có một số nghề phụ khác như đan lát, gốm sứ, làm tương… song đã nổi trội một nghề cổ truyền, tinh xảo với một tầng lớp thợ thủ công chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp, có phường (cơ cấu tổ chức), có ông trùm, ông cả… cùng một số thợ và phó nhỏ, đã chuyên tâm, có quy trình công nghệ nhất định “sinh ư nghệ, tử ư nghệ”, “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, sống chủ yếu được bằng nghề đó và sản xuất ra những mặt hàng thủ công, những mặt hàng này đã có tính mỹ nghệ, đã trở thành sản phẩm hàng và có quan hệ tiếp thị với một thị trường là vùng rộng xung quanh và với thị trường đô thị và tiến tới mở rộng ra cả nước rồi có thể xuất khẩu ra cả nước ngoài”.

Định nghĩa này hàm ý về các làng nghề truyền thống, đó là những làng nghề nổi tiếng từ hàng nghìn năm.

1.2.2. Làng nghề truyền thống

1.2.2.1. Khái niệm

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì “ làng nghề Việt Nam, làng nghề thủ công, làng nghề truyền thống, hoặc làng nghể cổ truyền… là những làng mà tại đó hầu hết dân cư tập trung vào làm một nghề duy nhất nào đó; nghề của họ làm thường có tính chuyên sâu cao và mang lại nguồn thu nhập cho dân làng”.

1.2.2.2. Lịch sử phát triển Khóa luận: Làng gốm Bát Tràng và tiềm năng phát triển du lịch.

Cùng với sự phát triển của nền văn minh nông nghiệp từ hàng ngàn năm trước đây, nhiều nghề thủ công cũng đã ra đời tại các vùng nông thôn Việt Nam. Việc hình thành các làng nghề bắt đầu từ những nghề ban đầu được cư dân tranh thủ làm lúc nông nhàn, những lúc không phải là mùa vụ chính.

Bởi lẽ trước đây kinh tế của người Việt cổ chủ yếu sống dựa vào việc trồng lúa nước mà nghề làm lúa không phải lúc nào cũng có việc. Thông thường chỉ những ngày đầu vụ, hay những ngày cuối vụ thì người nông dân mới có việc làm nhiều, vất vả như: cày bừa, cấy, làm cỏ (đầu vụ) cho đến gặt lúa, phơi khô… còn những ngày còn lại thì nhà nông rất nhàn hạ, rất ít việc để làm. Từ đó nhiều người đã bắt đầu tìm kiếm thêm công việc phụ để làm nhằm mục đích ban đầu là cải thiện bữa ăn và những nhu cầu thiết yếu hàng ngày, về sau là tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Theo thời gian, nhiều nghề phụ ban đầu đã thể hiện vai trò to lớn của nó, mang lại lợi ích thiết thực cho cư dân. Như việc làm ra các đồ dùng bằng mây, tre, lụa… phục vụ sinh hoạt hay đồ sắt, đồ đồng phục vụ sản xuất. Nghề phụ từ chỗ chỉ phục vụ nhu cầu riêng đã trở thành hàng hoá để trao đổi, mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho người dân vốn trước đây chỉ trông chờ vào các vụ lúa. Từ chỗ một vài nhà trong làng làm, nhiều gia đình khác cũng học làm theo, nghề từ đó mà lan rộng ra phát triển trong cả làng, hay nhiều làng gần nhau.

Và cũng chính nhờ những lợi ích khác nhau do các nghề thủ công đem lại mà trong mỗi làng bắt đầu có sự phân hoá. Nghề đem lại lợi ích nhiều thì phát triển mạnh dần, ngược lại những nghề mà hiệu quả thấp hay không phù hợp với làng thì dần dần bị mai một. Từ đó bắt đầu hình thành nên những làng nghề chuyên sâu vào một nghề duy nhất nào đó, như làng gốm, làng làm chiếu, làng làm lụa, làng làm đồ đồng…

Những phát hiện về khảo cổ học, những cứ liệu lịch sử đã chứng minh được các làng nghề Việt Nam đã ra đời từ hàng nghìn năm trước đây. Các làng nghề thường tập trung chủ yếu ở các vùng châu thổ sông lớn như châu thổ sông Hồng, tại Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định…

1.2.2.3. Đặc điểm của các làng nghề

Đặc điểm nổi bật nhất của các làng nghề là tồn tại ở nông thôn, gắn bó chặt chẽ với nông nghiệp. Các làng nghề xuất hiện trong từng làng – xã ở nông thôn. Sau đó các ngành nghề thủ công nghiệp được tách dần nhưng không rời nông thôn, sản xuất nông nghiệp và sản xuất – kinh doanh thủ công nghiệp trong các làng nghề đan xen lẫn nhau. Người thợ thủ công trước hết và đồng thời là người nông dân. Khóa luận: Làng gốm Bát Tràng và tiềm năng phát triển du lịch.

Hai là, công nghệ kĩ thuật sản xuất sản phẩm trong các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề truyền thống thường rất thô sơ, lạc hậu, sử dụng kĩ thuật thủ công là chủ yếu. Công cụ lao động trong các làng nghề đa số là công cụ thủ công, công nghệ sản xuất mang tính đơn chiếc. Nhiều loại sản phẩm có công nghệ – kĩ thuật hoàn toàn phải dựa vào đôi bàn tay khéo léo của người thợ mặc dù hiện nay đã có sự cơ khí hoá và điện khí hoá từng bước trong sản xuất, song cũng chỉ có một số không nhiều nghề có khả năng cơ giới hoá được một số công đoạn trong sản xuất sản phẩm.

Ba là, đại bộ phận nguyên vật liệu của các làng nghề thường là tại chỗ. Hầu hết các làng nghề truyền thống được hình thành xuất phát từ sự sẵn có của nguồn nguyên liệu sẵn có tại chỗ, trên địa bàn địa phương. Cũng có thể có một số nguyên liệu phải nhập từ vùng khác hoặc từ nước ngoài như một số loại chỉ thêu, thuốc nhuộm… song không nhiều.

Bốn là, phần đông lao động trong các làng nghề là lao động thủ công, nhờ vào kĩ thuật khéo léo, tinh xảo của đôi bàn tay, vào đầu óc thẩm mỹ và sáng tạo của người thợ, của các nghệ nhân. Trước kia, do trình độ khoa học và công nghệ chưa phát triển thì hầu hết các công đoạn trong quá trình sản xuất đều là thủ công, giản đơn. Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học – công nghệ, việc ứng dụng khoa học – công nghệ mới vào nhiều công đoạn trong sản xuất của làng nghề đã giảm bớt được lượng lao động thủ công, giản đơn. Tuy nhiên, một số loại sản phẩm còn có một số công đoạn trong quy trình sản xuất vẫn phải duy trì kĩ thuật lao động thủ công tinh xảo. Việc dạy nghề trước đây chủ yếu theo phương thức truyền nghề trong các gia đình từ đời này sang đời khác và chỉ khuôn lại trong từng làng. Sau hoà bình lập lại, nhiều cơ sở quốc doanh và hợp tác xã làm nghề thủ công truyền thống ra đời, làm cho phương thức truyền nghề và dạy nghề đã có nhiều thay đổi, mang tính đa dạng và phong phú hơn.

Năm là, sản phẩm làng nghề, đặc biệt là làng nghề mang tính đơn chiếc, có tính mỹ thuật cao, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Các sản phẩm làng nghề truyền thống vừa có giá trị sử dụng, vừa có giá trị thẩm mỹ cao, vì nhiều loại sản phẩm vừa phục vụ nhu cầu tiêu dùng, vừa là vật trang trí trong nhà, đền chùa, công sở Nhà nước… Các sản phẩm đều là sự kết giao giữa phương pháp thủ công tinh xảo với sự sáng tạo nghệ thuật. Cùng là đồ gốm sứ, nhưng người ta vẫn có thể phân biệt được đâu là gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội), Thổ Hà (Bắc Ninh), Đông Triều (Quảng Ninh)… Từ những con rồng chạm trổ ở các đình chùa, hoa văn trên các trống đồng và các họa tiết trên đồ gốm sứ đến những nét chấm phá trên các bức thêu… tất cả đều mang vóc dáng dân tộc, quê hương, chứa đựng ảnh hưởng về văn hoá tinh thần, quan niệm về nhân văn và tín ngưỡng, tôn giáo của dân tộc. Khóa luận: Làng gốm Bát Tràng và tiềm năng phát triển du lịch.

Sáu là, thị trường tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề hầu hết mang tính địa phương, tại chỗ và nhỏ hẹp. Bởi sự ra đời của các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề truyền thống, là sự xuất phát từ việc đáp ứng nhu cầu về hàng tiêu dùng tại chỗ của các địa phương. Ở mỗi một làng nghề hoặc một cụm làng nghề đều có các chợ dùng làm nơi trao đổi, buôn bán, tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề. Cho đến nay, thị trường làng nghề về cơ bản vẫn là các thị trường địa phương, là tỉnh hay liên tỉnh và một phần cho xuất khẩu.

Bảy là, hình thức tổ chức sản xuất trong các làng nghề chủ yếu là ở quy mô hộ gia đình, một số đã có sự phát triển thành tổ chức hợp tác và doanh nghiệp tư nhân.

1.2.2.4. Con đường hình thành của các làng nghề

Khảo sát, nghiên cứu về các làng nghề cho thấy, dù đó là làng nghề gì, sản xuất, kinh doanh như thế nào, thành lập từ bao giờ, tuy thời điểm xuất hiện của chúng có khác nhau nhưng tựu chung lại chúng thường xuất hiện theo một số con đường tương đối phổ biến là:

Thứ nhất là, phần lớn các làng nghề được hình thành trên cơ sở có những nghệ nhân, với nhiều lí do khác nhau đã từ nơi khác đến truyền nghề cho dân làng.

Thứ hai là, một số làng nghề hình thành từ một số cá nhân hay gia đình có những kĩ năng và sự sáng tạo nhất định. Từ sự sáng tạo của họ, quy trình sản xuất và sản phẩm không ngừng được bổ sung và hoàn thiện. Rồi họ truyền nghề cho cư dân trong làng, làm cho nghề đó ngày càng lan truyền ra khắp làng và tạo thành làng nghề.

Thứ ba là, một số làng nghề hình thành do có những người đi nơi khác học nghề rồi về dạy lại cho những người khác trong gia đình, dòng họ và mở rộng dần phạm vi ra khắp làng.

Thứ tư, một số làng nghề mới hình thành trong những năm gần đây, sau năm 1954 được hình thành một cách có chủ ý do các địa phương thực hiện chủ trương phát triển nghề phụ trong các hợp tác xã nông nghiệp.

Thứ năm là, trong thời kì đổi mới hiện nay, có một số làng nghề đang được hình thành trên cơ sở sự lan toả dần từ một số làng nghề truyền thống, tạo thành một cụm làng nghề trên một vùng lãnh thổ lân cận với làng nghề truyền thống.

1.2.2.5. Điều kiện hình thành các làng nghề Khóa luận: Làng gốm Bát Tràng và tiềm năng phát triển du lịch.

Nghiên cứu sự phân bố của các làng nghề cho thấy, sự tồn tại và phát triển của các làng nghề cần phải có những điều kiện cơ bản nhất định:

Một là, gần đường giao thông. Hầu hết các làng nghề cổ truyền đều nằm trên các đầu mối giao thông quan trọng, đặc biệt là các đầu mối giao thông thuỷ bộ.

Hai là, gần nguồn nguyên liệu. Hầu như không có làng nghề nào lại không gắn bó chặt chẽ với một trong những nguồn nguyên liệu chủ yếu phục vụ cho sản xuất của làng nghề.

Ba là, gần nơi tiêu thụ hoặc thị trường chính. Đó là những nơi tập trung dân cư với mật độ khá cao, gần bến sông, bãi chợ và đặc biệt là rất gần hoặc không quá xa các trung tâm thương mại.

Bốn là, sức ép về kinh tế. Biểu hiện rõ nhất thường là sự hình thành và phát triển của các làng nghề ở những nơi ít ruộng đất, mật độ dân số cao, đất chật người đông, thêm vào đó có khi còn là do chất đất hoặc khí hậu không phù hợp làm cho nghề nông khó có điều kiện phát triển để đảm bảo thu nhập và đời sống dân cư trong làng.

Năm là, lao động và tập quán sản xuất ở từng vùng. Nếu không có những người tâm huyết với nghề, có nhiều quan hệ gắn bó với nghề và có khả năng ứng phó với những tình huống xấu, bất lợi thì làng nghề cũng khó có thể tồn tại một cách bền vững.

1.3. Tiềm năng để phát triển du lịch làng nghề truyền thống

1.3.1. Du lịch làng nghề truyền thống

Du lịch làng nghề truyền thống còn khá mới mẻ ở nước ta. Du lịch làng nghề truyền thống thuộc du lịch văn hoá. Do vậy khi xem xét khái niệm này cần phải đi từ khái niệm du lịch văn hoá.

Du lịch văn hoá là loại hình du lịch đưa khách tới tham quan và thẩm nhận các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể ở các địa phương trên các miền đất nước.

Theo Luật Du lịch Việt Nam, “du lịch văn hoá là loại hình du lịch dựa vào bản sắc văn hoá dân tộc với sự tham gia của cộng đồng, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống”.

Các loại hình du lịch văn hoá bao gồm:

  • Du lịch tham quan nghiên cứu
  • Du lịch lễ hội
  • Du lịch làng nghề
  • Du lịch làng bản
  • Du lịch tôn giáo, tín ngưỡng
  • Du lịch phong tục, tập quán. Khóa luận: Làng gốm Bát Tràng và tiềm năng phát triển du lịch.

1.3.2. Một số tiềm năng cần có để phát triển du lịch làng nghề truyền thống

Ngày nay, du lịch làng nghề truyền thống đã trở thành một tiềm năng lớn cho phát triển du lịch văn hoá nói riêng và phát triển ngành du lịch ở nước ta nói chung. Để có thể phát triển loại hình du lịch làng nghề truyền thống, cần có một số tiềm năng nhất định cho các làng nghề như:

Tài nguyên du lịch: Bao gồm các tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn. Trong đó, tài nguyên du lịch nhân văn chiếm vị trí quan trọng và số lượng lớn hơn. Bởi du lịch làng nghề chính là một phần của du lịch văn hoá, và du lịch văn hoá thường gắn liền với các tài nguyên du lịch nhân văn. Đây chính là một tiềm năng vô cùng quan trọng và cần thiết để đưa khách du lịch đến với các làng nghề.

Điều kiện về kinh tế – xã hội: Đây là một nhân tố có tác động không nhỏ đến hoạt động du lịch tại các làng nghề. Đặc biệt là các sản phẩm thủ công truyền thống cùng lịch sử phát triển lâu đời sẽ đem đến cho du khách những cảm nhận độc đáo về văn hoá của địa phương, cũng như những kĩ thuật chế tác từng hiện hữu một thời trong quá khứ. Bên cạnh đó, hình ảnh làng nghề hiện tại với một nền kinh tế, xã hội ổn định, phát triển chắc chắn sẽ tạo được những ấn tượng khó quên cho du khách và họ sẽ có nhu cầu quay trở lại.

Cơ sở vật chất kĩ thuật hạ tầng xã hội: Đây là một yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của ngành du lịch. Vì vậy đây là một tiềm năng không thể thiếu để phát triển loại hình du lịch làng nghề truyền thống. Khách du lịch đến với các làng nghề ngoài nhu cầu tham quan, tìm hiểu, mua sắm, họ vẫn có nhu cầu được phục vụ theo đúng nghĩa “đi du lịch”. Bởi vậy cơ sở vật chất kĩ thuật chính là một tiềm năng lớn để thu hút khách, bao gồm các cơ sở về đường sá, điện, nước, hệ thống thông tin liên lạc, cơ sở phục vụ y tế, các nhà hàng, khách sạn… Khóa luận: Làng gốm Bát Tràng và tiềm năng phát triển du lịch.

Các cơ chế chính sách, các dự án đầu tư để nâng cao tiềm năng của các làng nghề: Yếu tố này thể hiện sự quan tâm của Nhà nước, các nhà đầu tư và các cơ quan có chức năng đến sự phát triển của làng nghề. Điều này sẽ tạo nên diện mạo mới cho các làng nghề, giúp mở rộng thị trường cho sản phẩm truyền thống, tạo thương hiệu và thu hút khách du lịch đến tham quan tại các làng nghề.

1.4. Tác động tương hỗ giữa du lịch và làng nghề truyền thống

1.4.1. Vai trò của du lịch trong phát triển làng nghề truyền thống

1.4.1.1. Hoạt động du lịch góp phần quảng bá một cách rộng rãi và có hiệu quả nhất hình ảnh cuả làng nghề.

Khi mà hoạt động du lịch phát triển một cách thật sự có hiệu quả với quy mô, cơ cấu tổ chức khoa học, chất lượng các dịch vụ du lịch đảm bảo, thái độ phục vụ tốt cộng với lòng mến khách của người dân bản địa sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng mỗi du khách. Và khi đó mỗi du khách sẽ trở thành một tuyên truyền viên quảng cáo một cách miễn phí mà đem lại hiệu quả cao nhất cho làng nghề.

1.4.1.2. Góp phần cho sự phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội của các làng nghề. Khi du lịch được đưa vào khai thác sẽ tạo ra một thị trường khách mới cho các làng nghề – đó là thị trường khách du lịch. Thị trường này tuy nhỏ bé với số lượng sản phẩm bán ra không lớn nhưng giá trị lợi nhuận mang lại sẽ tăng lên (do giá bán lẻ cho khách du lịch bao giờ cũng cao hơn so với giá bán thông thường). Mặt khác, nếu là khách du lịch quốc tế thì khi bán sản phẩm cũng chính là các làng nghề đã xuất khẩu được một phần sản phẩm của mình tại chỗ mà không mất một đồng tiền vận chuyển và thuế xuất hàng như sự xuất khẩu thông thường. Đây là một thị trường khách đầy tiềm năng để các làng nghề khai thác phát triển.

Nhờ có du lịch mà nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã biết đến và hợp tác kí kết nhiều hợp đồng kinh tế lớn với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm trong làng, đem lại lợi nhuận cho các hộ sản xuất, kinh doanh. Từ đó tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, giảm tỉ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập cho người dân.

Hoạt động du lịch đã gián tiếp góp phần thúc đẩy các làng nghề truyền thống phát triển. Khi làng nghề được đưa vào khai thác phục vụ cho hoạt động du lịch thì đã có rất nhiều khách đến tham quan, mua sắm cũng như tìm hiểu về các dòng sản phẩm truyền thống của các làng nghề. Trong số đó cũng có nhiều nhà nghiên cứu. Thông qua các công trình nghiên cứu, khảo nghiệm này, các nghệ nhân sẽ có cơ sở khoa học cụ thể trong việc khôi phục, gìn giữ, phát triển các sản phẩm truyền thống có giá trị để từ đó đưa vào sản xuất phục vụ nhu cầu của người dân. Càng các sản phẩm cổ, độc đáo thì càng có giá trị cao về mọi mặt: kinh tế, kĩ thuật, mỹ thuật và các giá trị văn hoá khác. Từ đó góp phần bảo tồn và phát huy các sản phẩm truyền thống của làng nghề nói riêng và nét độc đáo của văn hoá Việt Nam nói chung. Khóa luận: Làng gốm Bát Tràng và tiềm năng phát triển du lịch.

1.4.1.3. Đời sống người dân

Hoạt động du lịch gián tiếp thúc đẩy các làng nghề phát triển, từ đó sẽ làm tăng thu nhập cho người dân. Đời sống cả về vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Hoạt động du lịch đem lại nguồn thu nhập cho người dân trong các làng nghề truyền thống. Bên cạnh việc bán các sản phẩm làm ra cho du khách để thu lợi nhuận thì cũng có rất nhiều dịch vụ khác được mở ra để phục vụ du khách mà chủ yếu là lưu trú, ăn uống…

Khi du lịch được đưa vào khai thác, người dân trong các làng nghề còn có cơ hội giao lưu, tiếp xúc với nhiều du khách khác nhau trên thế giới, tạo điều kiện học hỏi, mở rộng tầm hiểu biết về các nền văn hoá khác nhau trên thế giới.

1.4.2. Vai trò của làng nghề truyền thống trong phát triển du lịch

Làng nghề truyền thống cũng là một trong những trung tâm thu hút khách và có những tác động mạnh mẽ trở lại đối với du lịch trong mục tiêu chung cụ thể.

Làng nghề truyền thống là cả một môi trường kinh tế – văn hoá – xã hội và công nghệ truyền thống lâu đời. Nhắc đến làng nghề là nhắc đến một nền sản xuất cổ truyền, với những nét đặc trưng của kinh tế và xã hội đã từng hiện hữu trong quá khứ. Đây là một nguồn tư liệu vô cùng quý giá và sống động nhất cho những ai muốn tìm hiểu về nét văn hoá truyền thống của dân tộc. Cuộc sống phát triển, con người càng có nhu cầu tìm hiểu về những thứ đã từng tồn tại trong quá khứ. Đến thăm các làng nghề truyền thống là cách nhanh và hiệu quả nhất để có câu trả lời chính xác và đầy đủ cho những nhu cầu này.

Phong cảnh làng nghề cùng với những giá trị chứa đựng bên trong sẽ là điểm du lịch lí tưởng cho du khách, đặc biệt là khách quốc tế đến tham quan, tìm hiểu, mua sắm. Phần lớn các làng nghề hiện nay vẫn giữ được những nét cổ kính và mang trong mình một tâm hồn rất Việt. Đó là những phong cảnh làng quê yên bình, trong trẻo như ru hồn người lữ khách về với cội nguồn của chốn tĩnh lặng, yên bình. Và họ sẽ có những cảm nhận mới lạ, khác hẳn với cuộc sống thành thị sôi động hàng ngày.

Làng nghề truyền thống là nơi sản xuất ra những sản phẩm thủ công mĩ nghệ có nghệ thuật cao, tiêu biểu, độc đáo cho cả dân tộc, địa phương. Vì thế khách du lịch khi đến đây thường có mong muốn được chiêm ngưỡng, mua sắm các sản phẩm thủ công làm kỉ niệm cho chuyến đi.

1.5. Đặc điểm của loại hình du lịch làng nghề truyền thống Khóa luận: Làng gốm Bát Tràng và tiềm năng phát triển du lịch.

Đây là loại hình du lịch văn hoá giúp cho du khách thẩm nhận các giá trị của bản sắc văn hoá dân tộc tại địa phương. Lịch sử văn hoá của dân tộc gắn liền với lịch sử phát triển của các làng nghề. Vì là những làng nghề đã có truyền thống sản xuất từ lâu đời, nên mỗi làng nghề đều mang trong mình những nét văn hoá độc đáo, là những nét đặc trưng riêng của từng địa phương. Và vì thế, du lịch đến các làng nghề, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những sản phẩm tinh tế, sống động mà còn đầy ắp màu sắc quê hương gắn liền với bản sắc văn hoá của từng vùng.

Thông qua loại hình du lịch này, hàng hoá sẽ được xuất khẩu tại chỗ, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương. Khi đến thăm các làng nghề, được mắt chứng kiến quy trình sản xuất ra một sản phẩm, ít ai lại không muốn mua về cho mình những sản phẩm đặc trưng đó làm đồ lưu niệm, để lại dấu ấn về nơi mình đã đi qua. Do đó, đây là một nguồn thu rất lớn và là cách quảng bá, giới thiệu về sản phẩm của làng nghề một cách hiệu quả nhất. Đặc biệt là các du khách nước ngoài. Họ luôn có hứng thú với những sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam. Thông qua đối tượng này, sản phẩm của làng nghề sẽ được xuất khẩu tại chỗ và còn có thể được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn.

Du lịch làng nghề truyền thống chủ yếu là tham quan, mua sắm, tìm hiểu, giao lưu, kí kết các hợp đồng kinh tế mà ít có loại hình lưu trú và nghỉ dưỡng khác. Phần lớn khi đến thăm các làng nghề, khách du lịch thường chỉ có các nhu cầu về tham quan, tìm hiểu về lịch sử, các di tích gắn liền với làng nghề và những sản phẩm thủ công mĩ nghệ truyền thống là nét đặc trưng của làng nghề đó. Ngoài ra, với bề dày lịch sử vốn có của mình, sản phẩm của các làng nghề cũng là những mặt hàng được ưa thích của nhiều doanh nghiệp. Họ sẽ đến thăm làng nghề và kí kết các hợp đồng kinh tế, đem lại nguồn lợi nhuận và đầu ra cho sản phẩm.Vì nguồn gốc là làng sản xuất, nên du khách ít có nhu cầu lưu trú và nghỉ dưỡng tại nơi đây.

Tiểu kết chương 1: Khóa luận: Làng gốm Bát Tràng và tiềm năng phát triển du lịch.

Trên đây là một số vấn đề lí luận cơ bản nhất về làng nghề truyền thống và tiềm năng của làng nghề đối với sự phát triển của hoạt động du lịch. Ngày nay, du lịch làng nghề đã trở thành một trong số những loại hình du lịch văn hoá được ưa chuộng nhất. Có lẽ bởi làng nghề truyền thống không chỉ sản xuất ra các sản phẩm thủ công độc đáo, mà còn mang trong mình những dấu ấn khó quên về lịch sử dân tộc. Đến với các làng nghề, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những sản phẩm thủ công truyền thống được tạo ra từ đôi bàn tay tài hoa, óc sáng tạo không mệt mỏi của người thợ, mà còn qua đó thấy được một nền văn hoá và kinh tế đã từng hiện hữu trong quá khứ cách đây hàng nghìn năm. Bởi lịch sử phát triển văn hoá, cũng như lịch sử phát triển kinh tế của dân tộc luôn gắn liền với lịch sử phát triển của làng nghề Việt Nam.

Trong những năm gần đây, du lịch làng nghề đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong sự phát triển của ngành du lịch nói riêng và trong sự phát triển của kinh tế – xã hội nước ta nói chung. Tiềm năng phát triển du lịch của làng nghề truyền thống là rất lớn, nếu khai thác có hiệu quả sẽ còn đem lại nhiều lợi ích hơn nữa. Nước ta có hơn 2000 làng nghề, trong đó nhiều làng nghề đã kết hợp sản xuất với phát triển du lịch. Bài khoá luận này xin đưa ra tiềm năng của một trong số các làng nghề đã có đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế – đó là làng gốm Bát Tràng – Gia Lâm – Hà Nội. Khóa luận: Làng gốm Bát Tràng và tiềm năng phát triển du lịch.

XEM THÊM NỘI DUNG TIẾP THEO TẠI ĐÂY:

===>>> Khóa luận: Tiềm năng làng nghề bát tràng để phát triển du lịch

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
1 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
trackback

[…] ===>>> Khóa luận: Làng gốm Bát Tràng và tiềm năng phát triển du lịch […]

1
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x
Contact Me on Zalo
0877682993