Luận văn: Tín ngưỡng giá trị văn hoá của dân tộc Êđê ở Đăk Lăk

Rate this post

Luận văn: Tín ngưỡng giá trị văn hoá của dân tộc Êđê ở Đăk Lăk là một bài luận văn thạc sĩ giáo viên đánh giá cao, cho nên mình muốn chia sẻ đến các bạn học viên biết thêm nhiều hơn văn hóa Việt Nam, từ đó hoàn thành tốt bài luận văn có đề tài tương tự.  Văn hoá là một hiện tượng xã hội có tính kế thừa bền vững. Nó luôn luôn tồn tại trong dòng chảy của sự vận động, phát triển của lịch sử. Trên chiều dài lịch sử ấy, bên cạnh những cái dở, cái lạc hậu lại có biết bao nhiêu những đều hay, điều tốt do chính bản thân con người sáng tạo ra. Dưới đây là Bài mẫu Đề tài: Giữ Gìn Và Phát Huy Giá Trị Văn Hoá Của Dân Tộc Ê Đê Trên Địa Bàn Tỉnh Đắk Lắk Hiện Nay bản đầy đủ.

1.2. Giá trị văn hoá của dân tộc Êđê ở Đăk Lăk

1.2.1. Điều kiện nảy sinh và tồn tại của văn hoá dân tộc Êđê ở Đăk Lăk

  • Điều kiện tự nhiên

Vị trí địa lý: Đăk Lăk là một tỉnh miền núi biên giới tây nam của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nằm ở trung tâm Cao Nguyên miền trung Việt Nam, Đắk Lắk được xác định trong khoảng toạ độ địa lý: 11045’-13025’ vĩ độ Bắc và 107012’-108054’ kinh độ Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai, phía Đông giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Nam giáp tỉnh Đăk Nông, phía Tây giáp tỉnh Mondulkiri (Campuchia) có đường biên giới chung là 73km. Đắk Lắk có diện tích tự nhiên 13.139,2km2. Đây là tỉnh có đường hàng không từ Buôn Ma Thuột đi thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Hội, có hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ, quốc lộ 19 cắt ngang từ Đông sang Tây với chiều dài 386 Km, nối với hải cảng Quy Nhơn sang đông bắc Campuchia. Quốc lộ 14 nối Đăk Lăk với Gia Lai, đồng thời nối Đắk Lắk với tỉnh Đắk Nông và các tỉnh phía Nam, quốc lộ 25 nối với quốc lộ 1 qua Phú Yên. Đây là điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế-văn hoá-xã hội. Đắk Lắk gồm 15 huyện, thị xã, thành phố (Tỉnh lỵ: Thành phố Buôn Ma Thuột;Thị xã: Buôn Hồ; Các huyện: Ea H’leo, Ea Súp, Krông Năng, Krông Buk, Buôn Đôn, Cư M’gar, Ea Kar, M’Đrắc, Krông Pắc, Krông Ana, Krông Bông, Lắk, Cư Kuin.Với 185 xã, phường, trị trấn; có 2.351 buôn, thôn, tổ dân phố (trong đó có 584 buôn đồng bào dân tộc thiểu số); có 2 huyện, 4 xã giáp tỉnh Mondulkiri-Campuchia; có 27 xã đặc biệt khó khăn về kinh tế-xã hội,

Dân số:1.728.380 người (1/4/2009), gồm cộng đồng 44 dân tộc anh em (13 dân tộc thiểu số tại chỗ: Ba Na, Xơ đăng, Kơ Ho, M’Nông, Ê đê, Gia Rai, Chu Ru, Bơ Râu, Rơ Măn….) trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 33% dân số, dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm gần 20%, hầu hết sống xen kẻ với người Kinh, cư trú phân bố đều khắp trên địa bàn , có 4 tôn giáo chính là Công giáo, Phật giáo, Cao đài và Tin lành, với 437.779 tín đồ (chiếm25,4% dân số). Cụ thể: Công giáo 179.138 tín đồ; Tin lành 136.450 tín đồ; Phật giáo 117.952 tín đồ; Cao đài 4.239 tín đồ. Tín đồ là người dân tộc thiểu số hơn 140.000, chủ yếu theo đạo Tin lành và Công giáo.

Đắk Lắk là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn trong cả nước. Vùng núi cao từ 1.000 – 1.200m chiếm 35% diện tích của tỉnh. Vùng cao nguyên Buôn Ma Thuột cao 450m, chiếm 53,5%, đất đỏ mầu mỡ, khá bằng phẳng thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp dài ngày, chăn nuôi gia súc và trồng rừng. Đất trũng phù sa (12%) trồng lúa và đồng cỏ tự nhiên ( Luận văn: Tín ngưỡng giá trị văn hoá của dân tộc Êđê )

Về khí hậu: Khí hậu Đắk Lắk có hai mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa, mỗi mùa kéo dài khoảng 6 tháng. Mùa mưa thường bắt đầu vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5 và kết thúc vào cuối tháng 10; mùa khô bắt đầu từ tháng 11 và kết thúc vào cuối tháng 4 năm sau. Lượng mưa trong mùa mưa chiếm trên 80-90% lượng mưa cả năm. Trong thời gian đó, thường có gió mùa Tây –Nam, độ ẩm cao tới 85-90%. Tháng 8 và tháng 9 là các tháng mưa nhiều nhất nên không khí ẩm ướt, mát mẻ, dễ chịu. Trái lại, những tháng mùa khô, lượng mưa hầu như không đáng kể, cá biệt có những năm vào các tháng này không có mưa làm cho không khí trở nên khô, hạn gay gắt, gây ảnh hưởng rất lớn cho việc canh tác, trồng trọt.

Như vậy, Đắk Lắk có khí hậu gió mùa cao nguyên- mùa đông khô và ít lạnh, mùa hè ẩm ướt và dịu mát, phản ánh rõ nét trong tài nguyên thiên nhiên của tỉnh.

Về tài nguyên và khoáng sản: là một trong những tỉnh có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú.

Tài nguyên rừng: Rừng Đăk Lăk có trữ lượng gỗ dồi dào và có nhiều động vật quý hiếm, có ý nghĩa lớn về kinh tế, như voi, hổ, báo, gấu, nai, heo rừng, bò rừng, với đàn voi khoảng 300 con tập trung ở các huyện Buôn Đôn, Easúp, Krông Bông, Lăk.Thực vật có trên 3000 loại, tài nguyên dưới lòng đất như chì, vàng,

….Hệ thống sông suối trong tỉnh là một mạng lưới khá dày đặc với hàng trăm con sông suối lớn, nhỏ, hình dáng và hướng chảy khác nhau như sông Sêrêpốc, sông Krông Ana, sông Krông Nô…. Nhiều thác cao có nguồn thuỷ năng lớn, khai thác thủy điện như thác: Dray H’Linh, Buôn Kuốp. Nhiều hồ lớn như hồ Lắk, hồ Ea Kao, hồ Ea Súp, hồ Đakmin… cung cấp nước tưới và thuỷ sản nước ngọt cho toàn tỉnh.

Đây cũng là vùng rừng núi trùng điệp, với những trảng cỏ cao lút đầu, những trận gió tung bụi mịt mù vào mùa khô, những dòng sông đỏ nặng phù sa cuồn cuộn chảy vào mùa mưa dồn dập xối xả. Thiên nhiên hùng vĩ vừa gần giũ, vừa hoang sơ, đã tạo cho đồng bào dân tộc Êđê có được một bản sắc văn hoá độc đáo riêng biệt thống nhất trong đa dạng.

  • Điều kiện kinh tế -xã hội:

Môi trường tự nhiên có vai trò quan trọng đối với con người, nhưng khả năng và hiệu quả của cải và tiềm lực thiên nhiên phụ thuộc vào trình độ kỹ thuật và tính chất của chế độ xã hội nhất định. Ảnh hưởng của thiên nhiên đối với con người thế nào, ở mức độ nào, phụ thuộc vào chế độ xã hội, mà chế độ xã hội lại do phương thức sản xuất quyết định. Nói cách khác, chính lao động sản xuất, chính bản thân phương thức sản xuất quy định phương thức sống của con người. Nhân cách, phẩm chất, cách sống, phong tục tập quán của con người hình thành trước hết trong hoàn cảnh sản xuất và biểu hiện thông qua hoạt động sản xuất của họ.

Ê đê, Ra đê hay Rơ đê….là những biến âm tên gọi của một cộng đồng tộc người hiện đang sinh sống tương đối tập trung ở tỉnh Đắk Lắk và các vùng lân cận thuộc tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa….Người Ê đê nói ngôn ngữ Nam Đảo, thân thuộc với ngôn ngữ Chăm, Gia Rai,   Raglai…mang những đặc trưng nhân chủng thuộc loại hình Inđônêdiêng.

Ê đê là cộng đồng người thống nhất về ý thức tộc người, ngôn ngữ và văn hóa. Tuy nhiên, không phải vì thế mà không bao chứa những khác biệt về thổ âm, sinh hoạt văn hóa theo từng vùng cư trú, hình thành nên những nhóm địa phương khác nhau: Ê đê Kpă, Atham, Mthur, Ktul, Blô, Bih…

Trong tiến trình lịch sử, chắc chắn dân cư trong các buôn Ê đê có sự dịch chuyển nơi cư trú. Tuy nhiên, môi trường sinh tồn của tộc người từ xa xưa tới nay vẫn là miền Cao Nguyên đất đỏ giàu có ở trung tâm Tây Nguyên, nằm giữa Gia Lai, Kon Tum ở phía Bắc và Lâm Đồng ở phía Nam. Có thể nói, đến Tây Nguyên phải tới Đắk Lắk mới cảm thụ được hết cái bao la của những miền đất đỏ bazan, cái bạt ngàn của những cánh rừng khộp, những trảng cỏ cao lút đầu, những trận gió tung bụi mịt mù vào mùa khô, những dòng sông Krông Nô (sông đực) và Krông Ana (sông cái) hợp thành Ea Krông đỏ nặng phù sa cuồn cuộn chảy vào mùa mưa, cái khô nóng đến cháy sém cây cỏ kéo dài từ tháng mười một tới tháng năm, những trận mưa xối xả từ tháng sáu tới tháng mười làm bật dậy mọi mầm sống, phủ một lớp áo màu xanh ngắt lên núi đồi, ruộng nương, vườn tược…

Có thể bạn quan tâm:

Dịch Vụ Viết Thuê Luận Văn Thạc Sĩ

Đến buôn làng Ê đê, ta không có cảm giác nó nằm treo mình chênh vênh trên vách núi hay lọt thỏm giữa thung lũng xung quanh vây bủa những núi đồi như ở vùng núi phía bắc mà các buôn làng này nằm phơi mình giữa bao la đất trời, có thể phóng tầm mắt về mọi phía, như khẳng định sự tồn tại của con người trước tự nhiên, và thiên nhiên như hòa vào con người, tạo nên cái tự tin, bạo dạn và phóng khoáng của con người. Đó là xứ sở của những đàn voi rừng bước đi rung đất nhưng sau khi thuần phục lại trở nên khuôn phép trước con người bé nhỏ. Đã có lúc chưa xa ngày nay hàng ngàn đàn ngựa phi thỏa sức, những đàn trâu bò di chuyển trên mặt đất làm tung lên những đám bụi…Cái khung cảnh tưởng như hồng hoang ấy đã một thời đi vào truyện cổ, các Khan trường thiên nhiên, những bài dân ca…làm nên cái độc đáo của văn hóa Ê đê. ( Luận văn: Tín ngưỡng giá trị văn hoá của dân tộc Êđê )

Kinh tế chủ yếu của người Êđê là nền nông nghiệp nương rẫy. Người Êđê làm nương rẫy không đi vào cải tiến cộng cụ sản xuất, chiếc rìu, xà gạc, gậy chọc lỗ, chiếc quốc xơi cỏ tồn tại từ bao đời nay nhưng họ hướng những cố gắng vào khâu kỹ thuật canh tác để giữ độ màu cho đất, hạn chế rửa trôi, giữ độ ẩm cho đất, khai thác những khác biệt của tiểu khí hậu địa phương để khi phơi rẫy thì gặp nắng, khi trỉa lúa thì có mưa, nhạy cảm với những thay đổi thời tiết hàng năm, tích cóp những tri thức về đất đai, rừng núi, cây cỏ, muông thú…dù mới ở dạng kinh nghiệm dân gian.

Công việc nương rẫy nhọc nhằn, nhiều khi tinh tế, nhưng ở trình độ tư duy ít nhiều mang tính thần bí, con người vẫn nghĩ tới việc phong đăng hay thất bất trong canh tác nương rẫy vẫn tuỳ thuộc vào các thần linh, vào hồn lúa, bởi thế, cùng với những quy trình lao động, người Êđê còn tiến hành song song những nghi lễ nông nghiệp phức tạp, tìm sự trợ giúp thường xuyên của thế giới siêu nhiên, đó là hai mặt hiện thực và hư ảo của một quá trình, mà ở trình độ xã hội của người Êđê không thể thiếu mặt này hay mặt kia.

Hái lượm và săn bắn là hai hình thức kinh tế bổ sung cho nghề nương rẫy, góp phần quan trọng cho bữa ăn hàng ngày của dân tộc Êđê. Ở Đắk Lắk, do không gian rộng lớn, địa thế tương đối bằng phẳng với những bãi cỏ xen rừng, lại là nơi sinh sống của bầy thú lớn, do đó càng kích thích hoạt động săn bắn.

Canh tác nương rẫy theo kiểu luân canh đòi hỏi một không gian sinh tồn rộng, hình thành nên một thói quen chuyển dịch thường xuyên trong cuộc sống và sinh hoạt. Làm nương rẫy ở xa buôn chính và nếu đất đai ngày càng khan hiếm thì nương rẫy càng xã buôn hơn, nên từ lâu hình thành ở người Êđê cũng như các dân tộc làm nương rẫy khác kiểu cư trú nửa năm ở ngoài nương (vào mùa làm nương) và nửa năm ở trong buôn. Đây là chưa kể khi đất đai khan hiếm, cằn cỗi, có tai hoạ, dịch bệnh, giặc giã là cả buôn sẵn sàng di chuyển tới chỗ mới ngả cây dựng nhà, đốt rừng làm nương. Môi trường đó từ xa xưa đã hình thành một nếp sống tạm bợ, sơ sài, một thói quen ít nhiều tuỳ tiện, nhưng lại thích nghi với cái mới và sự thay đổi. Những ngôi nhà dài Êđê thật dài, dài như “một tiếng chiêng ngân”, dài như “một thôi ngựa phi”, nhưng vẫn là một ngôi nhà tạm bợ dễ xiêu dột, đồ đạc toàn bằng tre nứa, gốm đất nung, ở đâu cũng nhanh chóng tạo ra, chỉ có bộ chiêng ché quý xứng là đồ gia bảo linh thiêng, nếu cần cũng nhanh chóng nằm trên giù, trên bành voi cùng con người đi cùng trời cuối đất. Với mồ mả, người Êđê cũng không chăm bẵm lâu dài, chỉ sau khi làm lễ bỏ mả là người sống có thể ra đi không bao giờ trở lại nữa…

Sinh sống trong môi trường cao nguyên, nền kinh tế nương rẫy, chịu những tác động khách quan của hoàn cảnh lịch sử, xã hội Êđê tiến hoá chậm chạp và bảo lưu nhiều tàn dư của các hội tiền giai cấp, cho tới những thập kỷ gần đây, xã hội cổ truyền Êđê vẫn lấy buôn làng làm đơn vị tổ chức xã hội cơ bản. Trước hết, buôn Êđê là một   điểm dân cư, gồm từ vài chục tới hàng trăm nóc nhà, có phạm vi cư trú và khai thác riêng, được cả buôn và các buôn khác thừa nhận và tôn trọng. Mọi hoạt động xã hội, phong tục mang tính chất cộng đồng đều tuân thủ những luật lệ chung do một bộ máy tổ chức mang tính tự quản điều hành. Đứng đầu là Khoa Pin Ea có thế lực trong phạm vi một buôn hay một số buôn là những tù trưởng (Mtao), có những Keng giúp việc. Xã hội Êđê cổ truyền tôn trọng những lễ tục và trong buôn có Pô Phạt Kđy ( người xử kiện) đứng ra trông coi công việc này. Trong xử kiện, ngoài việc dựa vào những chuẩn mực của xã hội cổ truyền để luận tội, bên cạnh đó cũng sử dụng các biện pháp có tính chất mê tín, khi bên nguyên bên bị đã được xét xử xong, bao giờ cũng kèm theo những lễ nghi nhằm chấm dứt oán thù giữa hai bên, có sự chứng giám của thần linh

Hợp thành buôn Êđê là những gia đình, thường là những đại gia đình mẫu hệ, sinh sống trong những ngôi nhà dài. Ngày nay quy mô của các đại gia đình đều bị thu nhỏ, thường ba bốn gia đình nhỏ sống trong một ngôi nhà dài, nhưng đã làm riêng ăn riêng, dần tách ra thành những gia đình hạt nhân gồm vợ chồng và con cái họ. Đứng đầu đại gia đình trước kia là Khoa sang. Đó là người đàn bà cao tuổi và có uy tín nhất, đứng ra trông nom tài sản, hướng dẫn sản xuất, điều hoà các quan hệ mọi mặt giữa những thành viên, thay mặt đại gia đình quan hệ với xã hội. Trong nhiều trường hợp, người chồng bà chủ nhà có thể đại diện cho vợ, nhưng quyền quyết định vẫn là bà chủ gia đình. Mọi của cải trong gia đình là của chung và thừa kế theo dòng nữ. Người chồng khi vợ chết phải trở về nhà mình tay không, của cải và con cái để lại gia đình vợ.

Trong một số gia đình giàu có trước kia, ngoài những thành viên gia đình theo huyết thống dòng mẹ, còn có những nô lệ và tôi tớ, có gia đình có tới hàng trăm nô lệ, đó là sự biểu hiện của sự giàu có và thế lực của gia đình. Nô lệ gia đình thường là những tù binh bắt được trong chiến tranh giữa các buôn, người góa bụa nghèo khó không nơi nương tựa, người mắc tội không có của nộp phạt. Họ cùng những người trong gia đình làm nương rẫy, các công việc nhà, ít khi họ bị phân biệt đối xử hay đánh đập. Họ có gia đình, con cái, bếp riêng trong ngôi nhà dài, nếu tốt, sau một thời gian có thể thành người bình thường. ( Luận văn: Tín ngưỡng giá trị văn hoá của dân tộc Êđê )

Trong xã hội Ê đê truyền thống dòng họ (djmê) đóng vai trò quan trọng. Trong một buôn cũng như trong vùng có nhiều dòng họ khác nhau, như Ayun, E ban, Hdruê, Mlôduôn Du, Hmok, Niê Kdăm…nhưng trong quan niệm dân gian, tất cả các dòng họ đều xuất phát từ hai dòng hay hai họ gốc, đó là Niê và Mlô . Những người trong cùng họ hay dòng họ Niê và Mlô không được lấy nhau, nếu vi phạm coi như tội loạn luân. Cũng theo quan niệm xưa các họ trong hai dòng Niê và Mlô có nghĩa vụ kết hôn qua lại, như vậy mới đảm bảo sự hòa thuận. Trong quan hệ kết hôn, tồn tại quan hệ hôn nhân chị em vợ và anh em chồng mà người Ê đê gọi là tục nối nòi (cuê nuê).

Trong xã hội Ê đê cổ truyền, đời sống hiện thực của con người gắn chặt với tín ngưỡng và lễ thức như hình với bóng. Các thần linh ở ba tầng trời, mặt đất và dưới đất, các Yang hầu như ở trong mọi vật, như bao bọc lấy thế giới người sống, là những lực lượng siêu nhiên chi phối đời sống hiện thực của con người, buộc con người phải cầu xin để đời sống của bản thân mình được yên ổn.

Ở trình độ tư duy thần bí, với hệ thống các thần linh, các hồn (yang) và những lễ thức cầu xin sự trợ giúp của lực lượng siêu nhiên. Như vậy, ở người Ê đê cũng như ở nhiều dân tộc có trình độ tương tự, những điểm báo, bói toán, những kiêng kị rất phát triển. Những điểm báo, kiêng cữ là cái gì đó diễn ra với mọi người thường ngày, nhất là lúc người ta sắp làm một việc gì đó mang tính chất may rủi và cần đảm bảo cho công việc đó mang lại kết quả. Còn bói toán là công việc của một số người có khả năng đặc biệt, họ kết hợp giữa bói và chữa bệnh.

Tóm lại: Với lợi thế về vị trí địa lý, là trung tâm vùng Tây Nguyên, có hệ thống giao thông đường bộ, đường hàng không thuận lợi; có tiềm năng lớn về tài nguyên: quỹ đất bazan, rừng, thuỷ điện, du lịch, lực lượng lao động…; khả năng thu hút đầu tư để phát triển kinh tế – xã hội có nhiều thuận lợi; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – kỹ thuật được đầu tư trong những năm qua bắt đầu phát huy hiệu quả; đồng thời với những kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện được tích luỹ trong thời gian qua sẽ tạo điều kiện quan trọng để xây dựng Đăk Lăk phát triển nhanh và bền vững.

1.2.2. Những nét đặc thù của văn hoá dân tộc Êđê ở Đăk Lăk

Dân tộc Ê Đê ở Đắk Lắk gồm khoảng 298.534 người, chiếm 17,2 % dân số toàn tỉnh và 90,1 % tổng số người Ê Đê tại Việt Nam), là dân tộc có nguồn gốc từ nhóm tộc người Mã Lai (Malays) từ các hải đảo Thái Bình Dương đã có mặt lâu đời ở Đông Dương; truyền thống dân tộc vẫn mang đậm nét mẫu hệ thể hiện dấu vết hải đảo của nhóm tộc người nói tiếng Mã Lai – Đa Đảo. Các nhóm địa phương bao gồm: Kpă (chính dòng), Adham, Mdhur, Bih, Krung…Nhưng không có sự khác biệt lớn giữa các nhóm địa phương. Người Ê Đê làm rẫy là chính, riêng nhóm Bíh làm ruộng nước theo lối cổ sơ, dùng trâu dẫm đất thay việc cày, cuốc đất. Ngoài trồng trọt còn chăn nuôi, săn bắn, hái lượm, đánh cá, đan lát, dệt vải. Trên nương rẫy, ngoài cây chính là lúa còn có ngô, khoai, bầu, thuốc lá, bí, hành, ớt, bông. Đặc điểm làm rẫy của người Ê Đê là chế độ luân khoảnh, tức là bên cạnh những khu đất đang canh tác còn có những khu đất để hoang để phục hồi sự mầu mỡ. Ngày nay người Êđê gắn mình với sản xuất nông sản cây công nghiệp: cà phê, cao su, hồ tiêu, ca cao,.. ( Luận văn: Tín ngưỡng giá trị văn hoá của dân tộc Êđê )

1.2.2.1. Truyền thống, đoàn kết, dân chủ, bình đẳng, tình yêu con người và thiên nhiên trong cộng đồng dân tộc Êđê

Có lẽ không sai khi nói rằng, trong các dân tộc thiểu số ở nước ta, dân tộc Êđê có một nền văn hoá dân gian thật phong phú, đa dạng, thấm đậm những giá trị nhân bản, tiêu biểu cho một trình độ phát triển văn hoá các dân tộc ở Việt Nam.

Dù hiểu khái niệm “văn hoá dân gian” (folklore) với ý nghĩa rộng hay hẹp, thì với dân tộc Êđê, cũng như tất cả những tộc người còn chưa bước vào ngưỡng cửa của xã hội có giai cấp, nhà nước, xã hội văn minh chữ viết và công nghiệp, thì văn hoá dân gian là toàn bộ nền văn hoá truyền thống của dân tộc. Điều khẳng định ấy có hai ý nghĩa thực tiễn, một mặt, không thể hiểu văn hoá truyền thống Êđê nếu như không nghiên cứu một cách cơ bản và sâu sắc văn hoá dân gian. Mặt khác, không thể xây dựng nền văn hoá mới của dân tộc, nếu như không từ xuất phát điểm là văn hoá dân gian.

Nếu chúng ta cho rằng tính tổng thể nguyên hợp là một trong những đặc trưng tiêu biểu của văn hoá truyền thống, thì văn hoá truyền thống của đồng bào Êđê đã thể hiện tương đối nguyên vẹn đặc trưng tiêu biểu ấy. Văn hoá truyền thống Êđê phân hợp từ nhiều yếu tố, từ những thần thoại (riu yang), truyện cổ (lay dưm), luật tục (phạt kdi), sử thi khan, lời nói vần (klây duê) đến các hình thức dân ca kứưt, muynh, chnắc, amưi. Ayrây… từ biết bao loại nhạc cụ đến các bài nhạc đàn, nhạc hát, nhạc múa; từ những kiến trúc nhà dài, nhà mồ đến nghệ thuật trang trí trên vật dụng , hoa văn trên y phục, trang trí   và tượng nhà mồ; từ những luật tục quy dịnh chặt chẽ những ứng xử mang đậm tính cộng đồng tới những tín ngưỡng, nghi lễ, những trò vui chơi giải trí trong những lễ hội sống động trải ra các tháng trong năm liên quan đến vòng đời của một con người, vòng sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi…chúng hoà quyện, thâm nhập vào nhau thể hiện sinh động trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Lời nói vần thâm nhập và tự thể hiện mình trong khan, luật tục, trong truyện cổ, trong các loại dân ca, trong câu đố, truyện cười, trong luận tội hay bào chữa của toà án phong tục, thậm chí trong lời nói cửa miệng thường ngày. Cồng chiêng và các nhạc cụ thuộc hệ dây, nhạc cụ thổi, gõ, cùng với những bản nhạc đã thâm nhập vào mọi sinh hoạt cộng đồng, từ lễ khấn thần, lễ bỏ mả náo nhiệt, những lễ hội tưng bừng, những điệu múa uyển chuyển, những bài ca đối đáp trai gái tình tứ…Kiến trúc và trang trí nhà sàn, nhà mồ, đã mang lại vẻ đẹp riêng cho thế giới người sống và thế giới người chết đặc biệt là với người chết, vừa làm tăng thêm vẻ linh thiêng, bí ẩn, vừa làm rộn lên vẻ tưng bừng, sống động của niềm vui, ước vọng tái sinh trong nghi lễ bỏ mả…rõ ràng những yếu tố của văn hoá dân gian thâm nhập, hoà quyện vào nhau để tồn tại và phát triển, chúng là những bộ phận của một chỉnh thể hữu cơ không tách rời.

Thường ngày, đến buôn làng Êđê chúng ta thấy những bộ chiêng quý, trống cái hgơr treo trên những giá chiêng, cột trống (Kmeh hgơr), những nhạc cụ đinh năm, đinh tút, đàn kơy, brố…gác trên vách hay mái nhà dài, những cột đâm trâu nằm trơ gốc, những trang trí và tượng nhà mồ bạc màu vì dãi dầu mưa nắng, gặp những pô khan ngồi trầm tư với tẩu thuốc trên môi hay cặm cụi ngồi đan các vật dụng, trai gái bận việc ruộng nương cũng thưa tiếng hát aray, kứưt, amui…Thế nhưng vào những dịp như thế không hiếm trong mỗi tháng, mỗi ngày, như ngày mừng cơm mới, lẽ cầu mưa, cúng lúa trổ, về nhà mới, lễ cưới, lễ đặt tên con, cầu chúc sức khoẻ, lẽ rước Kpan…thì tức khắc mọi cái ngày thường tưởng như rời rạc, tĩnh lặng, bỗng bừng lên sức sống, quy tụ lại làm nên vẻ sống động của sinh hoạt cộng đồng. Chính trong môi trường ấy văn hoá truyền thống Êđê biến hoá, sinh sôi.

Trong môi trường sinh hoạt văn hoá ấy, môi trường sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hoá, đã bộc lộ toàn bộ tính cộng đồng, dân chủ bình đẳng, tức những giá trị nhân bản cao của văn hoá truyền thống Êđê. Sinh hoạt văn hoá cộng đồng, dù của toàn buôn như lễ cúng bến nước, cúng cầu mưa, cúng trừ dịch bênh… Hay của riêng từng người như lễ đặt tên, cầu sức khỏe…của từng gia tộc, như cưới xin, ma chay, mừng nhà mới.Thì đó cũng là công việc của mọi người, của toàn buôn, mọi người cùng góp tay tổ chức, góp gạo, rượu, thịt để dâng cúng. Nếu đó là niềm vui của mùa thu hoạch tốt, sinh con khoẻ, đón rể hiền, dọn lên nhà mới…Thì cùng nhau góp vui, còn nếu là điều rủi, nỗi buồn do chết chóc, dịch bệnh thì cùng chia sẻ, đùm bọc nương tựa vào nhau. Trong những sinh hoạt cộng đồng ấy mọi người cùng làm cùng hưởng, cả cộng đồng hồ hởi chung lo, gánh vác.

Trong các sinh hoạt cộng đồng ấy, văn hoá truyền thống luôn đóng vai trò trung tâm, quy tụ tất cả mọi người không có sự phân biệt rạch ròi giữa những người sáng tạo và những người hưởng thụ. Trong cuộc hát dân ca Arây, chúng ta thấy quá trình diễn xướng cùng tiến hành đồng thời với quá trình sáng tác. Người hát arây dựa vào các mô típ lời nói vần và các làn điệu dân ca có sẵn, vận dụng vào môi trường đang diễn xướng để tạo nên những bản dịch mới thích hợp với hoàn cảnh bấy giờ. Cùng một lúc họ vừa trình diễn vừa sáng tác, còn những người bạn hát đối đáp thì vừa nghe lời ứng tác, tiếp nhận, thưởng thức và chuẩn bị đáp lại một cách phù hợp. Trong các loại hình dân ca khác như kứưt, amưi, chốc…cũng diễn ra quá trình như vậy. ( Luận văn: Tín ngưỡng giá trị văn hoá của dân tộc Êđê )

Có lẽ tính cộng đồng thể hiện cao trong các lễ hội, theo kiểu “có rượu mọi người cùng uống, có thịt mọi người cùng ăn” “ai đánh chiêng cứ đánh, ai ca hát cứ ca hát”. Mọi người tham gia lễ hội cùng là để chia vui, lưu truyền và sáng tạo thêm những giá trị văn hoá truyền thống. Chính trong môi trường cộng đồng, bình đẳng và chủ động ấy đã khơi dậy và thôi thúc sức sáng tạo của mỗi người, con người cảm thấy mình là người làm chủ trong sáng tạo và hưởng thụ văn hoá, làm cho văn hoá mang tính nhân văn sâu sắc, có sự lan toả rộng, bám rễ sâu từ thế hệ này đến thế hệ khác. Điều đó giúp chúng ta hiểu được vì sao, có những Pô khan có thể ngồi đọc khan từ đêm này sang đêm khác tựa như những lời ứng khẩu, ví sao đám đông từ trẻ tới già ngồi quấy quần quanh bếp lửa nhà dài im lặng suốt đêm nghe kể khan, hát arây, tấu chiêng…Vì sao người xử kiện thuộc lòng hàng ngàn câu phạt kdi để ứng vận trong xét xử của toà án phong tục, vì sao hàng ngàn vạn câu nói vần vẫn cứ tồn tại, sinh sôi trong lời nói cửa miệng, trong lời ca, tiếng hát mọi người.

Trong văn hoá truyền thống Êđê, môi trường diễn xướng của sinh hoạt văn hoá cộng đồng cũng quyết định những mức độ khác nhau của tính nguyên hợp, nói cách khác tức là tính phân hợp của các thành tố văn hoá truyền thống. Trước hết là sự gắn quyện của các lĩnh vực khác nhau của nghệ thuật biểu diễn: ca hát, nhảy múa và âm nhạc, đặc biệt là ca hát và âm nhạc, tạo nên một khả năng dồi dào, một sắc thái nổi bật, gây ấn tượng cho bất cứ ai tiếp xúc với văn hoá truyền thống Êđê. Nghệ thuật ngôn từ, ngoài thâm nhập vào nghệ thuật biểu diễn ở phần lời của các bài dân ca, dường như cư ngụ thành một mảng riêng với những lời khấn thần linh, những truyện cổ, truyện cười, các câu châm ngôn, những lời nói vần đặc biệt là hình thức sử thi-khan nổi tiếng. Trong khan, người ta vẫn thấy có sự thu hút các yếu tố diễn xướng, như âm nhạc, điệu bộ. Nghệ thuậ tạo hình dân gian Êđê về cơ bản vẫn là nghệ thuật ứng dụng, nó hoà nhập vào thế giới người sống qua các trang trí nhà sàn, trang trí vật dụng và y phục, đặc biệt nó dành cho thế giới người chết một ưu đãi đặc biệt với hệ thống nhà mồ, các trang trí và tượng nhà mồ độc đáo bản sắc dân tộc.

Tuy nhiên, gắn kết, quy tụ lại vẫn là những ngày lễ hội, một thời điểm mạch của sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Ở đó, ta bắt gặp các nghi lễ linh thiêng lẫn vui chơi trần tục, lời kể khan trầm hùng lẫn lời hát thướt tha, mượt mà, những điệu múa mang đầy tính chiến đấu quanh cột đâm trâu lẫn các trò chơi ồn ào náo nhiệt, tiếng chiêng trống trầm hùng, những váy khố đẹp, những món ăn ngon…Ở đó, văn hoá truyền thống Êđê mãi mãi sinh sôi bởi con người hoà nhập, nhập thân vào văn hoá cộng đồng, bởi sự trao truyền văn hoá từ thế hệ này cho thế hệ nối tiếp.

Văn hoá truyền thống Êđê thật gần gũi với đời sống thường ngày của con người, gần gũi tới mức có lúc ta khó phân biệt đâu là đời sống sản xuất, chiến đấu, sinh hoạt xã hội, đâu là văn hoá. Đó cũng là một nét đặc thù của văn hoá truyền thống Êđê, sự thâm nhập, gắn kết của đời sống sản xuất, xã hội và đời sống văn hoá nghệ thuật. Trong lúc đang lao động trên rẫy, tìm măng nấm trong rừng, săn đuổi chim thú…người ta vẫn có thể mang theo những nhạc cụ, hay tự tạo ra đàn môi bằng chiếc lá để ca hát đối đáp, mượn lời ca, tiếng nhạc để nói hộ tâm tình mình. Trong những sinh hoạt xã hội của gia đình hay của cả buôn ở phần Ga nhà dài, sinh hoạt kể khan, tấu chiêng vẫn có thể nổi lên. Trong những giờ phút giao cảm giữa người sống và người chết trong lễ bỏ mả, cũng là giờ phút con người múa, hát, đánh chiêng tưng bừng nhất. Một trong những nét độc đáo của văn hoá truyền thống Êđê là con người đã dành cho thế giới người chết nhiều tinh hoa nghệ thuật: những trang trí độc đáo, những bức tượng nhà mồ sinh động vắng bóng trong cuộc sống ở buôn làng, nhạc cụ đinh ky pá chỉ dùng trong tang ma và tế thần, chiêng cồng cũng chỉ dành cho thần linh và linh hồn người chết, múa chim Grứ gắn với tang ma khi đưa quan tài ra mộ, hạ huyệt hay trong lễ bỏ mả..Suy cho cùng, đây cũng xuất phát từ quan niệm về nhân sinh, sự chia ly với người chết mang màu sắc náo nhiệt, tưng bừng trong lễ bỏ mả đảm bảo sự trường tồn của cộng đồng.

Mời bạn tham khảo thêm:

Tổng hợp bài mẫu Luận văn Thạc Sĩ

1.2.2.2. Tính đa dạng trong sự thể hiện của các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội trong sinh hoạt văn hoá truyền thống ( Luận văn: Tín ngưỡng giá trị văn hoá của dân tộc Êđê )

Nói tới văn hoá truyền thống của Êđê, trước hết người ta thường kêt tới một loại hình tự sự trường thiên mà người Êđê gọi là Khan. Loại này không phải chỉ có ở người Êđê mà còn ở một số tộc người khác, nhất là ở Tây Nguyên, nhưng có lẽ không ở dân tộc nào loại hình nghệ thuật này lại phát triển và hoàn thiện như ở dân tộc Êđê. Khan là một hình thức văn vần, câu dài ngắn không nhất định diễn đạt một truyện dài mang tính chất lịch sử và phân chia thành các trường đoạn khác nhau, khi trình diễn nó thường được phối hợp với các yếu tố diễn xướng (điệu bộ) và âm nhạc. Nội dung khan phản ánh lịch sử, sinh hoạt xã hội, tín ngưỡng và phong tục.

Nghệ thuật khan là sự tích tụ và nâng cao toàn bộ vốn văn vần tạo nên sự cô đúc và trau chuốt của ngôn từ. Đó là loại hình nghệ thuật ra đời trong xã hội Êđê chưa hình thành giai cấp, toàn xã hội chan hoà tính cộng đồng cao. Tất cả cộng đồng sống trong niềm hứng khởi chung hoặc tức giận, căm thù chung, theo một lý tưởng, một lời kêu gọi chung.

Kho tàng nghệ thuật ngôn từ truyền thống Êđê, lời nói vần chiếm vị trí nổi bật, nó là những viên gạch xây dựng nên nền văn học dân gian và ca hát dan gian. Nếu khan phản ánh cuộc sống theo cảm quan và hư ảo, vừa hiện thực, trong đó nét hào hùng và phóng đại là chính, thì Klây duê là hình thức nói vần thể hiện những cung bậc tình cảm khác nhau của con người với con người và con người với thiên nhiên. Đó là hình thức văn học truyền miệng diễn đạt bằng lời nói có vần điệu, hình ảnh, nói ví von, bóng gió. Klây duê có hàng vạn câu, là khâu trung gian giữa lời nói thường ngày và lời nói mang tính chất thơ ca, nó có khả năng linh hoạt tham gia vào cấu trúc nhiều loại hình tự sự dân gian khác như khan, truyện cổ, thần thoại, câu đố, luật tục, trong các hình thức dân ca, tục ngữ, ca dao…

Dân tộc Êđê có khả năng và tiềm năng nghệ thuật lớn, mà chừng nào đó vượt trội hơn nhiều dân tộc khác ở nước ta có trình độ phát triển xã hội cao hơn, đó là vốn âm nhạc và ca hát, là nghệ thuật trang trí và tạo hình…

Mặc dù trình độ phát triển xã hội chưa cao, khả năng kỹ thuật còn thấp, nhưng ở dân tộc Êđê đã hình thành nên một ngôn ngữ âm nhạc độc đáo, giàu bản sắc, dựa trên một hệ thống thẩm mỹ cao và một tư duy âm nhạc khá phát triển. Trước hết, đó là một tập hợp nhạc cụ khá đa dạng với tính năng và hiệu quả cao, âm sắc đẹp, cường độ âm thanh với nhiều mức độ: Các loại đàn, nhạc cụ thổi, nhạc cụ gỗ…Trong các nhạc cụ đó, tiêu biểu nhất là chiêng (chinh) với cấu tạo, âm sắc và cách đánh mang tính độc đáo dân tộc. Âm nhạc Êđê mang những sắc thái khá nổi bật trong âm nhạc các dân tộc Tây Nguyên, đó là: âm nhạc đã tiến tới trình độ phức tiết tấu, một số nhạc cụ có ba nhóm tiết tấu, trong đó nhóm thứ ba giữ nhịp cơ bản và chơi bè trì tục và sự thống nhất của những hàng âm cơ bản dùng cho nhiều nhạc cụ gồm 6 âm, không có bán cung.

Ở người Êđê phát triển hình thức nhạc hát như ở nhiều dân tộc Tây Nguyên khác, một hình thức sinh hoạt âm nhạc khá phổ biến và tương đối phong phú về thể loại, như hát khấn thần (riu yang), hát khác (chốc), hát nói (kứư, amưi, kơ giã), hát (muynh, ayrây). Những hình thức âm nhạc, ca hát và khả năng ca nhạc bẩm sinh của người Êđê đang được sưu tầm, nghiên cứu, cải biên và nâng cao phục vụ cho nhu cầu thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân hiện nay. ( Luận văn: Tín ngưỡng giá trị văn hoá của dân tộc Êđê )

Nghệ thuật tạo hình của người Êđê khá độc đáo, thể hiện qua các điêu khắc gỗ, nghệ thuật trang trí và hoa văn trên trang phục, các loại hình kiến trúc dân gian…Đến buôn làng Êđê, ai cũng phải chú ý tới những ngôi nhà dài xếp theo hướng nhất định, đầu hồi hướng ra trục đường chính của buôn, chú ý tới phong cách kiến trúc với mái nhà cao dốc, hai đầu hồi nhô ra, bức phên vách kiểu “thượng thách hạ thu”, cầu thang lên xuống hình thuyền, đầu thang trang trí hình đôi bầu sữa và hình trăng khuyết. Căn cứ trên hình dạng và kết cấu ngôi nhà nhiều người nghiên cứu nghĩ tới biểu tượng con thuyền thể hiện qua ngôi nhà của đồng bào Êđê. Nhà người Ê Đê thuộc loại hình nhà dài sàn thấp, thường dài từ 15m đến hơn 100 m tùy theo gia đình nhiều người hay ít người. Nhà dài ÊĐê có những đặc trưng riêng không giống nhà của các cư dân khác ở Tây Nguyên. Là nhà của gia đình lớn theo chế độ mẫu hệ. Bộ khung kết cấu đơn giản. Đặc điểm chính của nhà dài Ê Đê là thưòng rất dài vì là nơi ở chung có khi của cả một dòng họ và thường xuyên được nối dài thêm mỗi khi một thành viên nữ trong gia đình xây dựng gia thất. Vì vậy có những huyền thoại nhà dài như tiếng chiêng ngân bởi vì đứng ở đầu nhà đánh chiếng thì cuối nhà chỉ còn nghe rất nhỏ, ra khỏi là mất luôn, không còn nghe thấy gì nữa. Nhà dài truyền thống thường được xây dựng bằng vật liệu gỗ, tre, nứa lợp mái tranh. Nhà có kết cấu cột kèo bằng gỗ tốt có sức chịu đựng dãi dầu cùng năm tháng. Các đà ngang, đòn dông luôn luôn bám nguyên tắc được đẽo hoàn toàn bằng tay, từ những cây gỗ nguyên vẹn dài có thể tới trên chục mét; đếm chúng, ta có thể biết nhà đã có thêm bao nhiêu lần được nối dài. Những lần nối dài thường là khi trong nhà có một thành viên nữ xây dựng gia thất vì người ÊĐê theo chế độ mẫu hệ, người con trai khi lấy vợ sẽ đến ở nhà vợ và không có quyền hành gì. Nhà được thưng vách và lót sàn bằng các phên nứa đập nát; mái lợp cỏ tranh đánh rất dày, trên 20cm, thường chỉ làm một lần và sử dụng vĩnh viễn không phải lợp lại. Đỉnh mái cách sàn nhà chừng 4-5 m. Gầm sàn cao khoảng hơn 1m trước đây luôn được dùng làm nơi nuôi nhốt trâu, bò, lợn, gà nên rất mất vệ sinh, sau này đã bỏ dần tuy nhiên có một số nơi vẫn theo phong tục cũ này. Khi làm nhà mới, người ÊĐê rất kiêng không bao giờ dùng lại gỗ nhà cũ mà thường đốt bỏ, tuy nhiên ngày nay phong tục này chỉ còn tồn tại ở các vùng sâu gần rừng nơi còn dễ kiếm gỗ làm nhà. Những đặc trưng của nhà Ê Đê là: hình thức của thang, cột sàn và cách bố trí trên mặt bằng sinh hoạt. Đặt biệt là ở hai phần, nửa đằng cửa chính gọi là Gah là nơi tiếp khách, sinh hoạt chung của cả nhà dài là nơi chứa các vật dụng như bếp chủ, ghế khách, ghế chủ, ghế dài (Kpan) có thể dài tới 20m được đẽo từ những thân cây rừng nguyên vẹn kể cả chân, trên vách có treo cồng chiêng … nửa còn lại gọi là Ôk là bếp đặt chỗ nấu ăn chung và là chỗ ở của các đôi vợ chồng, chia đôi theo chiều dọc, phần về bên trái được coi là “trên” chia thành nhiều gian nhỏ. Phần về bên phải là hàng lang để đi lại, về phía cuối là nơi đặt bếp lửa… Nguyên bản trước đây bếp lửa của người ÊĐê thường được đặt trực tiếp trên sàn, họ đóng một khung vuông bằng gỗ cao khoảng 10 cm, đổ đất nện, sau đó đốt lửa trên đó cả ngày với mục đích giữ lửa và để chống muỗi và các loại côn trùng khác. Mái nhà bằng cỏ tranh, vách bằng tre nứa, và Kpan. Người Ê Đê có tập quán là khi đi ngủ thì đầu quay về hướng Đông và chân quay về hướng Tây. Do đó nhà dài theo hướng Bắc Nam. Chỗ ngủ được ngăn đơn giản bằng những thành tre làm nhiều ngăn. Ngăn đầu tiên là ngăn của vợ chồng chủ nhà, tiếp theo là ngăn người con gái chưa lấy chồng, sau đó đến các ngăn của vợ chống những người con gái đã lấy chồng, cuối cùng là ngăn dành cho khách. Mỗi đầu nhà có một sân sàn. Sân sàn ở phía cửa chính được gọi là sân khách. Muốn vào nhà phải qua sân sàn. Nhà càng khá giả thì sân khách càng rộng, khang trang. Cầu thang nhà của người Ê Đê luôn được đẽo bằng tay và thường được trang trí bằng hình hai nhũ hoa (trông thể hiện tín ngưỡng phồn thực rõ rệt của người ÊĐê) và hình trăng khuyết. Các cột, kèo thường đẽo gọt, trang trí bằng hình ảnh các con vật như voi, ba ba, kì đà… Cũng như cầu thang, các vật trang trí này luôn được đẽo bằng tay với cây rìu truyền thống.

1.3. Nhà dài của đồng bào Êđê ( Luận văn: Tín ngưỡng giá trị văn hoá của dân tộc Êđê )

Trang phục của người Êđê tạo dáng khoẻ đẹp: tấm váy mảnh quấn quanh thân, áo chui đầu của phụ nữ, đàn ông với nhiều loại khố trang trí hoa văn đẹp, chiếc áo cánh có mảng ngực trang trí hình sải cánh chim Grứ, tấm choàng chiến binh nhiều màu sắc…điêu khắc trang trí ở nhà dài và nhà mồ, hệ thống tượng nhà mồ tạo nên dáng vẻ riêng của nghệ thuật tạo hình Êđê. Trong nhà dài, chạm khắc hình trăng khuyết, đôi bầu sữa căng tròn tượng trưng cho tính nữ với sự giàu có, sinh sôi mà khi leo thang lên nhà ai cũng thấy và vịn tay vào. Chạm khắc theo phong cách khối tròn hình nồi, cối giã, ngà voi…Trên những cột, xà ngang. Ở nhà mồ, ngoài những chạm khắc trang trí, còn thấy nhiều tượng: tượng động vật như khỉ, bò, voi, chim Grứ…tượng người cầm dao, cầm cờ, ôm trống múa, tượng trai gái hát, tượng các thần linh…

Người Êđê có hệ thống lễ hội dân gian cực kỳ phong phú, đa dạng, nơi tích góp những sinh hoạt văn hoá truyền thống. Đó là những lễ nghi liên quan tới các sự kiện vòng đời của mỗi con người, như lễ nghỉ khi sinh đẻ, đặt tên, lễ cầu sức khoẻ, lễ cưới, tang ma, lễ bỏ mả…những lễ nghi nông nghiệp theo mùa, lễ tìm đất, lễ gieo hạt, lễ làm cỏ, lễ cầu mưa…Ngoài ra còn biết bao lễ nghi khác liên quan tới cả công đồng buôn làng, tới từng gia đình…Trong những lễ hội như vậy, bên cạnh những tín ngưỡng, mê tín, nó bao chứa ý nghĩa nhân sinh, giáo dục đạo lý và ý thức cộng đồng của mọi thành viên. Trong kho tàng tri thức truyền thống của người Êđê tiềm ẩn những quan niệm vũ trụ quan và những biểu tượng cổ truyền. Thứ nhất, không phải chỉ ở người Êđê mà trong nhiều dân tộc trồng trọt ở trình độ tiền công nghiệp đều hình thành và bảo lưu khá lâu bền quan niệm vũ trụ luận lưỡng phân lương hợp nguyên sơ, tuy nhiên, người Êđê những quan niệm lưỡng phân lưỡng hợp này được biểu hiện dưới những sắc thái riêng. Thí dụ quan niệm âm dương tương ứng với đực/cái được người Êđê biểu hiện dưới dạng sông đực và sông cái-Krông Nô và Krông Ana, trong bộ chiêng cũng có chiêng đực và chiêng cái, trong bộ chiêng Anak có chiêng con gái và chiêng con trai, trống có mặt bịt da trâu cái/ mặt bịt da trâu đực…Đối lập giữa thế giới người sống và người chết, giữa xấu và tốt, chủ và khách…Trong vũ trụ quan nguyên sơ của người Êđê, thế giới phân chia thành ba tầng: tầng trời, tầng đất và tầng đất dưới ở ba tầng trời ấy có những cặp thần ngự trị: ở tầng trời có Mtao Kơla và Hơbia Kơlu, ở mặt đất có Mtao Tơlua và Aeơghăn, ở tầng dưới đát có Băngbơda và Băngdơdung trị vì.

Theo tín ngưỡng dân gian của đồng bào thì mọi vật đều có sức sống, có yang (hồn). Yang không phải là thần linh xa xôi, mà mọi vật xung quanh ta đều có yang, như chiêng, che, kpan, cây cỏ, vật nuôi, sông suối, nương rẫy…Có Yang xấu   và Yang tốt, nó làm hại con người hay phù hộ con người, vật có yang nên biết vui buồn, bằng lòng hay bất bình. Trong các Yang của con vật, có Yang yếu, Yang mạnh, chúng có thể tạo nên hoà hợp hay xung khắc, tù đó mà quyết định sự sinh sôi hay tàn lụi của vật. Con người có thể nhận biết Yang qua các giấc mơ, báo mộng khi sử dụng phải nương nhẹ, vỗ về làm cho yang vừa lòng.

Quan niệm vật có Yang, tạo nên những giao cảm tinh thần giữa con người và vật, nhân cách hoá mọi vật, nó tạo ra những xúc cảm, những tượng tượng, bay bổng những sáng tạo nghệ thuật. Mặt khác, nó cũng phong toả, vây hãm con người trong trùng điệp những hồn vía, ma quỷ, mê tín nhiều khi tới mức cuồng mê. Người Êđê cũng có những quan niệm riêng về luân hồi vòng đời của mỗi con người, từ đó nó ảnh hưởng tới quan niệm về sống chết, về quan niệm máu mủ, cộng đồng. Đó là quan niệm, con người sau khi chết phải qua lễ bỏ mả thì hồn của ngừơi chết mới có thể trở về với thế giới của tổ tiên, sau đó hòn phải qua 7 lần “chết” nữa mới biến thành giọt sương mang linh hồn tổ tiên trở lại thế giới trên mặt đất đầu thai vào đứa trẻ. Bởi vậy, đối với người Êđê lễ bỏ mả là dịp vui mừng, để hồn người chết không còn quanh quẩn quanh người sống, sớm trở thành giọt sương để đầu thai lại thành người. Hồn người chết đầu thai vào đứa trẻ sơ sinh, mang hồn và tên của tổ tiên, đảm bảo tính trường tồn và bền vững của cộng đồng huyết tộc. ( Luận văn: Tín ngưỡng giá trị văn hoá của dân tộc Êđê )

Trong quan niệm cổ truyền của người Êđê, con số 7 một biểu tượng cho cái đẹp, tròn vẹn, tốt lành, to lớn, lâu dài, kỳ diệu…Khi đứa trẻ vừa mới sinh, người ta lấy chày giã gạo ném đi ném lại bảy lần dưới gầm sàn để xua trừ ma quỷ, vong đời của con người tốt nhất qua 7 lần cúng lễ, hồn chết 7 lần mới biến thành giọt sương đầu thai lại thành người. Trong nghi lễ làm và rước Kpan, đoàn 7 người vào rừng đẵn cây, trước khi đẵn phải khấn và vỗ vào cây 7 lần, khi cây đổ, người trèo lên cây đi lại 7 lần, rồi 7 chàng trai múa khiên quanh gốc cây. Đón Kpan về buôn phải cúng 7 che rượu. Cột Yang hiến trâu phải buộc 7 vòng dây, bôi 7 vòng bằng tiết trâu, 7 cô gái mời thần 7 lần quanh cột, mâm cúng có 7 bát cơm, 7 bầu nước, 7 xâu thịt…Trong mô típ truyện cổ cũng thường gặp con số 7: đi 7 ngày, 7 đêm, 7 tuần trăng mới tới, phải vượt 7 núi, 7 sông, mài gươm 7 ngày, 7 đêm mới sắc…Trong Khan Xinh Nhã chặt cây tông lông 7 ngày, 7 đêm mới đỏ, cây đổ làm nát 7 buôn, làm 7 ngày, 7 đêm mới xong khiên…Đăm Di khoẻ mạnh ăn hết 7 nồi cơm, uống 7 bầu nước, hút 7 bó thuốc. Đăm San đánh nhau với 7 Mtao (thủ lĩnh)…

Những quan niệm vũ trụ luận nguyên sơ, những biểu tượng trên đã để lại những dấu ấn đậm đà trên nhiều lĩnh vực khác nhau của tri thức và sinh hoạt văn hoá truyền thống, qua nó chúng ta có thể lý giải được nhiều hiện tượng văn hoá truyền thống khác nhau, cũng như đời sống tâm linh và tâm lý con người cổ truyền.

Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, xét về trình độ phát triển xã hội và văn hoá, các dân tộc Đắk Lắk nói chung, trong đó có Êđê tiêu biểu cho một trình độ phát triển. Ở đây, văn hoá truyền thống là toàn bộ nền văn hoá dân tộc, nó còn ở dạng chỉnh thể nguyên hợp, tức là chưa có sự tách biệt rạch ròi giữa các bộ phận hợp thành như nghệ thuật ngôn từ, diễn xướng và tạo hình dân gian, chưa có sự tách biệt giữa hoạt động sáng tạo và hưởng thụ nghệ thuật, văn hoá truyền thống còn gắn kết khá chặt chẽ với đời sống kinh tế, xã hội…tất cả các khâu sáng tác, trình diễn và thưởng thức đều do quần chúng lao động chiếm lĩnh và làm chủ. Những thành quả và giá trị truyền thống là của chung xã hội, chưa bị tầng lớp thống trị xã hội cướp đoạt và phục vụ cho lợi ích riêng giai cấp của mình. Trong xã hội có những người do khả năng, uy tín, họ là những pô khan, pô phạt kdi (người xử kiện), pô riu yang (người khấn thần), pô tul chinh (người sửa chiêng)…nhưng đó là những người có khả năng sáng tạo, người thay mặt cộng đồng đảm nhận những chức năng nghi lễ, phong tục và văn hoá…Bởi vậy, đây là một nét văn hoá còn mang tính phổ cập rộng rãi nhất, dân chủ, bình đẳng và vì vậy thấm đượm tính nhân bản.

Đó là nững nét đặc thù cơ bản giúp chúng ta phân biệt văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê với các trình độ phát triển cao hơn, như văn hoá truyền thống các dân tộc ở vùng thung lũng núi: Thái, Tày, Mường… Hay trình độ cao hơn nữa như văn hoá truyền thống dân tộc Việt…Đó là những trình độ tiêu biểu cho sự phát triển văn hoá truyền thống các dân tộc nước ta.

Mời bạn tham khảo thêm:

Luận Văn: Thực Trạng Giá Trị Bảo Tồn Văn Hóa Dân Tộc Ê Đê

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x
Contact Me on Zalo
0877682993